Ngày đăng 15/04/2022 | 12:00 AM

Giá vật liệu xây dựng tăng chóng mặt, nhiều dự án gặp khó

Lượt xem: 390  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Trong 3 tháng đầu năm 2022, thị trường vật liệu xây dựng ghi nhận nhiều loại tăng giá chóng mặt trong đó phổ biến như sắt, thép, xi măng, cát xây dựng... đã tăng giá khoảng 10 - 20% so với thời điểm cuối năm 2021.

 Riêng giá thép tăng 7 lần từ đầu năm đến nay. Hệ quả của hiện tượng này khiến nhiều dự án bất động sản có nguy cơ đắp chiếu. Hàng loạt chủ đầu tư rơi vào cảnh lao đao, khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao nhiều lần.

 


Giá thép hiện tại vượt mức đỉnh (18,3 triệu đồng/tấn) hồi tháng 5 năm ngoái khoảng 700-800 nghìn đồng/tấn.

 

Theo khảo sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng tại một số cửa hàng vật liệu xây dựng tại quận Đống Đa và quận Hà Đông (Thành phố Hà Nội) ngày 13/4, giá hầu hết các loại vật liệu xây dựng như thép, cát, đá xanh, xi măng đã tăng so với cuối năm 2021.

Trong đó, giá cát tăng khoảng 10.000 đồng/m3, từ 290.000 đồng/m3 lên 300.000 đồng/m3 với cát xây tô, cát bê tông vàng tăng lên 420.000 đồng/m3; xi măng tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/bao 50kg; gạch ống tăng khoảng 100 đồng/viên; các loại sắt thép cũng tăng gần 500 đồng/kg…

Trong năm 2021, giá thép tăng gần 50%, kéo theo các loại vật liệu xây dựng khác tăng theo từ 20% trở lên. Đặc biệt là mỗi lần xăng dầu tăng, tất cả các loại vật liệu xây dựng đều tăng theo khiến nhà thầu phải ngậm đắng nuốt cay, bỏ tiền túi ra trả lương công nhân vì lỗ vốn.

Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Trung Phượng tại Hà Cầu (Hà Đông) cho biết: Hiện nay giá sắt đắt đột biến, còn gạch, cát, xi măng thì có tăng nhưng không nhiều. Đơn cử xi măng loại B40 là 160.000 đồng/tạ, xi măng Bỉm Sơn và Hoàng Long đều có giá 180.000 đồng/tạ. Tuy nhiên, đợt này rất ít hộ gia đình xây nhà vì giá vật liệu cao, nhiều gia đình chưa thực hiện được kế hoạch vì áp lực về kinh tế.

Mô hình chung, giá xăng dầu tăng khiến giá cước vận tải tăng theo nên buộc các chủ cửa hàng phải tăng giá vật liệu xây dựng để bù vào chi phí vận chuyển. Đơn cử: Sắt thép từ nhà máy tăng giá ngay sau khi xăng dầu tăng giá liên tiếp lần thứ 7 vào ngày 11/3, xăng dầu tiếp tục tăng nên chi phí thuê xe chở vật liệu xây dựng cũng tăng nên chủ cửa hàng phải tăng giá mỗi thứ một chút để bù lỗ.

Theo ông Vũ Hải Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Hoàng Long (một nhà thầu xây dựng tại Hà Đông) cho biết: Từ cuối năm 2021 đến nay, giá vật liệu xây dựng tiếp tục tăng cao khiến các nhà thầu không dám ký các hợp đồng trọn gói (bao vật liệu xây dựng) mà chỉ nhận làm công hoặc đàm phán với chủ đầu tư chia sẻ rủi ro.

Tương tự, anh Hoàng Hiệp (chủ nhà một công trình đang xây dựng) đang có nhu cầu xây dựng công trình nhà ở 5 tầng ở quận Hà Đông. Trước đó, khi đàm phán với chủ đầu tư về thỏa thuận giá vật liệu xây dựng với một cửa hàng ở gần khu vực. Đến nay đã xây xong phần móng. Nhưng mới đây, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng báo sẽ tăng giá vật liệu xây dựng sau khi xăng tăng giá. Dù không đồng tình nhưng anh Hiệp cũng phải chấp nhận trả thêm tiền vật liệu xây dựng vì tất cả các cửa hàng trong khu vực đồng loạt tăng giá từ giữa tháng hoặc xây ít hơn theo đúng bản thiết kế ban đầu.

Đại dịch diễn ra đã làm cho các dự án chậm tiến độ. Nay với việc tăng giá của hầu hết các loại vật liệu xây dựng, nếu chủ đầu tư không hỗ trợ nhà thầu thì nguy cơ dự án sẽ còn chậm thêm. Thực tế, các dự án gần đây quảng cáo đều điều chỉnh giá tăng 10 - 15% so với dự kiến. Đáng lo ngại là giá vật liệu xây dựng vẫn đang có dấu hiệu tăng nữa khi dịch bệnh tại Trung Quốc tăng mạnh, chiến tranh giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại, điều này đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giá bất động sản cũng sẽ phải tăng theo chứ không có cách nào khác.

Ngoài thép tăng vượt giá, những loại vật liệu khác cũng tăng mạnh. Đơn cử như cát. Kể từ khi có lệnh cấm khai thác cát trái phép để hạn chế sạt lở, giá cát san lấp tăng và trở nên khan hiếm. Cát nói chung đều khai thác được trong nước nhưng không hiểu vì sao vẫn khan hiếm và tăng giá bất thường. Do giá vật liệu xây dựng tăng cao nên giá thầu công trình cũng phải tăng theo giá thị trường thêm 25 - 30% khiến người có nhu cầu xây, sửa chữa nhà ngao ngán.

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng nguyên nhiên liệu. Hiện giá than trong nước tăng bình quân 7-10%. Nhiên liệu này chiếm 40-45% giá thành sản xuất xi măng. Theo đó nhiều doanh nghiệp xi măng đã phải điều chỉnh tăng giá bán để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Không chỉ có sắt và xi măng tăng giá, các loại vật tư khác như cát, gạch, đá cũng tăng giá mạnh so với thời điểm đầu năm. Giá cát đã tăng thêm 10.000 đồng/m3 lên mức 300.000 đồng/m3. Gạch ống tăng thêm 100 đồng/viên lên 1.300-1.400 đồng/viên. Gạch men tăng khoảng 50.000 đồng lên mức 240.000-260.000 đồng/m2.

 


Giá thép tăng 7 lần từ đầu năm đến nay.

 

Ngược lại với biến động của thế giới, tại thị trường Việt Nam giá thép ngày 11/4 tiếp tục duy trì ở mức cao. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 Hòa Phát ở miền Bắc ở mức 18.940 đồng/kg, giá thép thanh vằn D10 CB300 là 19.040 đồng/kg. Ở miền Trung và miền Nam từ 18.890 - 19.090 đồng/kg. Thép Việt Ý hiện giữ nguyên giá bán với giá thép cuộn CB240 ở mức 18.890 đồng/kg, giá thép thanh vằn D10 CB300 là 18.990 đồng/kg. Các thương hiệu khác như thép Việt Đức, thép Việt Nhật, Pomina, với dòng thép cuộn CB240 bình ổn ở mức 19.380 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 có giá 19.580 đồng/kg.

Sự tăng giá mạnh của các mặt hàng vật liệu xây dựng trong thời gian gần đây đã làm ảnh hưởng đến các nhà thầu, khiến nhiều dự án xây dựng bị chậm tiến độ, tác động không nhỏ đến thị trường bất động sản.

Trước tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng liên tục, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh đã ký văn bản yêu cầu các địa phương vào cuộc ngăn đầu cơ, thổi giá, công bố kịp thời đơn giá vật liệu sát với thị trường để hỗ trợ các nhà thầu. Bởi nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các dự án.

Thảo Phương/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 390  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207