Ngày đăng 17/03/2022 | 12:00 AM

Xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, hướng tới Chính phủ số

Lượt xem: 393  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Việc triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai ngoài phục vụ Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia còn là cơ sở để cung cấp thông tin cho Trung tâm điều hành, Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh.


 

Làm thủ tục về đất đai. (Nguồn: Vietnam+).

 

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đóng vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Để góp phần cải cách thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch trong quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc các địa phương sớm đưa hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai vào hoạt động.

Nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, có tác động tích cực trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cụ thể, sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành theo thẩm quyền 18 văn bản hướng dẫn và được các tổ chức, người dân đánh giá cao.

Trong quá trình thực hiện, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Về xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Thái Nguyên là một trong 32 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Dự án đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với 9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại các huyện: Phú Lương, Võ Nhai và Đại Từ; các địa phương còn lại đang xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022…

Đồng Nai có diện tích đất đai lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh, tỉnh rất chú trọng trong quản lý đất đai. Đến nay, Đồng Nai đã tổ chức thực hiện hoàn thành dự án Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai với nền tảng là cơ sở dữ liệu địa chính.

Tỉnh đang thực hiện dự án Hoàn thiện, phát triển cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tiến tới hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu.

Tính đến ngày 31/12/2021, Ninh Bình đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 28/143 xã, phường, thị trấn, trong đó 20 xã đã hoàn thành xây dựng cơ sở sở dữ liệu địa chính; 8 xã đang thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính là: Yên Tử, Yên Nhân, Yên Lâm (huyện Yên Mô); Gia Lạc, Gia Lập (huyện Gia Viễn); Gia Lâm (huyện Nho Quan); Khánh Hồng, Khánh Cư (huyện Yên Khánh).

Để triển khai Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai," thành phố Quảng Ngãi đã thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 20 xã, phường và chuẩn hóa, bổ sung, chuyển đổi cơ sở dữ liệu vào hệ thống đất đai cho 3 xã thuộc thành phố Quảng Ngãi; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho 11 xã thuộc huyện Sơn Tịnh và chuẩn hóa, bổ sung, chuyển đổi cơ sở dữ liệu vào hệ thống đất đai cho 6 huyện (Trà Bồng, Tư Nghĩa, Minh Long, Nghĩa Hành, Ba Tơ và Lý Sơn).

Ngoài các địa phương trên, dự án cũng triển khai chuẩn hóa, bổ sung, chuyển đổi cơ sở dữ liệu vào hệ thống; bổ sung thêm dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thống kê, kiểm kê, giá đất và chuẩn hóa.

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đã triển khai “Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn thành phố” nhằm giúp người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý có cái nhìn tổng quát về quy hoạch sử dụng đất của thành phố cũng như dễ dàng trong việc thu hút đầu tư.

Đồng thời, Đà Nẵng đã thực hiện liên thông thuế điện tử giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế, qua đó, rút ngắn được thủ tục hành chính liên quan đến nghĩa vụ tài chính đất đai....; trình ký hồ sơ đất đai điện tử; cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ; khai thác hệ thống thông tin kiến trúc quy hoạch trên địa bàn quận, huyện; tổ chức quản lý quỹ đất.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, công tác xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu đất đai đã từng bước đáp ứng được công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai phần mềm một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai trong toàn hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai ngoài phục vụ Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia còn là cơ sở để cung cấp thông tin đất đai nói riêng, tài nguyên và môi trường nói chung cho Trung tâm điều hành, Cổng Dịch vụ công cấp tỉnh và các sở, ngành, địa phương của tỉnh, thành phố phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, cung cấp dịch vụ công thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiến tới Chính phủ số.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cơ bản đã hoàn thành trên 43 triệu thửa đất với trên 22 triệu hồ sơ và đưa vào vận hành, quản lý khai thác sử dụng trong hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai; có 61/63 tỉnh, thành đã thực hiện thanh toán nghĩa vụ hành chính về đất đai qua Cổng dịch vụ công quốc gia; 21/63 tỉnh, thành phố đã triển khai liên thông thuế.

Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy đã có nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai ở Việt Nam, bước đầu hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai được hình thành. Mặt khác, những địa phương đã được “số hóa” dữ liệu đất đai, hiện chỉ chú trọng vào cơ sở dữ liệu địa chính, còn các cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất… - các thành phần cấu thành cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh - chưa được đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Bộ đang tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, hồ sơ địa chính theo mô hình hiện đại, tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, trong đó bảo đảm nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tập trung, thống nhất; bảo đảm nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất.

 


Làm thủ tục về đất đai. (Nguồn: TTXVN).

 

Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thiện các công cụ để quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai, kết nối liên ngành, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến về đất đai; thực hiện đúng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về việc bố trí dự toán ngân sách, trích nguồn thu từ đất để đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, hướng tới tăng số huyện và số tỉnh đưa cơ sở dữ liệu đất đai vào vận hành khai thác, sử dụng.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, các quy hoạch có sử dụng đất đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; khắc phục tình trạng tùy tiện điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; rà soát các quy hoạch có sử dụng đất theo hướng bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, bảo đảm tính hệ thống, liên kết, đồng bộ, kế thừa và ổn định giữa các quy hoạch; việc bố trí sử dụng đất phải hợp lý, khai thác hiệu quả không gian, bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội; nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương hoàn thành việc lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh; lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030; trong đó có các chỉ tiêu sử dụng đất tại đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung, hạn chế sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để xây dựng đô thị.../.


Theo Diệu Thúy (TTXVN/Vietnam+)
Lượt xem: 393  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207