Ngày đăng 23/02/2022 | 12:00 AM

Thép xây dựng "leo thang" - hàng loạt chủ đầu tư dự án bất động sản lao đao

Lượt xem: 413  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Thép xây dựng "leo thang" - hàng loạt chủ đầu tư dự án bất động sản lao đao

(Xây dựng) – Từ cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2022, giá thép xây dựng liên tục leo thang tới ngưỡng mỗi tấn thép đã tăng từ 250.000 đến 350.000 đồng. Hệ quả của hiện tượng này khiến nhiều dự án bất động sản có nguy cơ đắp chiếu. Hàng loạt chủ đầu tư rơi vào cảnh lao đao khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao nhiều lần.



Gía sắt thép tăng đột biến khiến cho các nhà thầu lao đao.


Theo ghi nhận thị trường, hiện nay, giá thép đã tăng lần thứ 3 kể từ đầu năm 2022. Sau khi tăng hai lần trước đó với mức tăng từ 300 nghìn đồng đến 1,22 triệu đồng một tấn, thì nay tăng thêm từ 250-350 nghìn đồng/tấn, đưa giá mặt hàng này vượt 17 triệu đồng/tấn. Cụ thể, giá mỗi tấn thép cuộn CB240 của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên áp dụng từ ngày 15/2 là 17,3 triệu đồng nếu thanh toán ngay và gần 17,4 triệu đồng nếu thanh toán chậm, có bảo lãnh. Giá thép chưa gồm VAT các loại cũng tăng lên 17,3-17,6 triệu đồng một tấn, tùy loại và tuỳ thuộc thanh toán nhanh hay chậm.

Giá thép Hoà Phát loại D10 tăng lên mức 17,15 triệu đồng/tấn; Loại thép cuộn D12 cũng tăng lên 16,75 triệu đồng. Tương ứng với mức tăng từ 600-800 nghìn đồng mỗi tấn so với cách đây hai tuần. Các thương hiệu khác như: Thép Việt Đức, Thép Vinausteel, Thép Vina Kyoei, Thép Pomia... cũng tăng giá bán thép cuộn xây dựng từ giữa tháng 2.



Như vậy, giá hiện tại cách mức đỉnh (18,3 triệu đồng/tấn) hồi tháng 5 năm ngoái khoảng 700-800 nghìn đồng/tấn (ảnh minh họa - Nguồn: Internet).


Đưa ra nguyên nhân tăng giá lần này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá nguyên liệu từ quặng sắt, than Coke, thép phế liệu… tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ở Trung Quốc và khu vực ASEAN) đã khiến giá phôi tăng mạnh. Theo đó, giá phôi thép giao dịch cảng Đông Nam Á tăng 39-40 USD/tấn lên mức 660 USD/tấn vào cuối tháng 1/2022; đến ngày 10/2/2022 ở mức 696 USD/T CFR Đông Á, tăng khoảng 70 USD/tấn so với mức giá phôi thép thời điểm đầu tháng 1/2022. Ở thị trường trong nước, giá phôi thép nội địa tháng 1/2022 tăng khoảng 400-600 đồng/kg, giữ giá ở mức từ 14,8-15,8 nghìn đồng/kg cuối tháng 1/2021. Giá quặng sắt cũng giao dịch ở mức 149,7-150,2 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng khoảng 24 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 1/2022. Còn giá thép phế liệu nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 555 USD/tấn CFR Đông Á ngày 10/2/2022 tăng 40-45 USD/tấn so với hồi đầu tháng 1/2022. Giá than mỡ luyện cốc tăng cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất thép tăng. Đơn cử, xuất khẩu tại cảng Australia ngày 10/2/2022 giao dịch ở mức 391,75 USD/tấn FOB, tăng mạnh 55,75 USD so với đầu tháng 1/2022.

Thực tế, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều các dự án bất động sản đang thi công. Giá thép xây dựng liên tục tăng cao tới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi công, xây dựng các công trình. Hàng loạt doanh nghiệp “khóc ròng” vì lỗ nặng. Theo tính toán của các chủ đầu tư, thép xây dựng chiếm khoảng 28% chi phí cho một căn hộ chung cư và khoảng 35% chi phí xây dựng một căn nhà liền kề. Với mức giá thép tăng lên tới 40-45% như hiện nay thì đơn giá bán nhà sẽ chịu tác động lớn. Giá thép xây dựng liên tục tăng cao sẽ khiến nhiều công trình xây dựng, dự án bất động sản phải thi công cầm chừng, đứng trước nguy cơ “đắp chiếu”. Thậm chí nhà đầu tư sẽ chọn cách dừng thi công và chịu nộp phạt, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản vì gây khó khăn về nguồn cung.

Ông Đỗ Minh Túc – Phó Tổng Giám đốc 1 dự án bất động sản tại Hà Giang chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng: Thị trường xây dựng đầu năm đã gặp biến động, sau một năm dịch bệnh thì thị trường bất động sản có biến chuyển lớn, đồng thời giá thép xây dựng cũng tăng cao. Chủ đầu tư chỉ dám nghe ngóng, dẫn đến doanh số sụt giảm nghiêm trọng nếu như không làm đúng theo thời gian dự kiến. Nguy cơ đắp chiếu cao đối với các dự án bất động sản đang triển khai.

Riêng với doanh nghiệp ngành Xây dựng dân dụng, việc giá vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng vọt làm chi phí xây dựng tăng mạnh sẽ giảm lợi nhuận. Lượng khách hàng cũng giảm vì khách đã có kế hoạch xây nhà nhưng thấy giá tăng cao nên sẽ xem xét hoãn kế hoạch lại vì áp lực kinh tế.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Vũ Hải Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Hoàng Long (một nhà thầu xây dựng tại Hà Đông) cho rằng: Nếu giá thép, giá nguyên vật liệu tăng trong khoảng thời gian ngắn và tăng nhẹ thì nhà thầu, chủ đầu tư vẫn xoay chuyển được. Tuy nhiên, nếu về lâu dài, nhiều lo ngại việc tăng giá vật liệu lên cao sẽ khiến chủ đầu tư bị lỗ nặng, đành buông xuôi để mặc dự án “đắp chiếu”. Thời điểm này, không chỉ các nhà thầu xây dựng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá, mà các chủ đầu tư lớn cũng đang lo lắng khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.

Về giải pháp cho vấn đề trên, mới đây Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi các cơ quan liên quan và địa phương đề nghị thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhập, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp. Đồng thời thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực sau dịch Covid-19 và biến động của giá thép đến các hoạt động xây dựng. Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương, cơ quan liên quan theo dõi, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp thực tiễn; kiến nghị các ngành liên quan đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn cung thép trên thị trường.

Thảo Phương

Admin
Lượt xem: 413  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207