Ngày đăng 17/02/2022 | 12:00 AM

Nâng cao sức cạnh tranh của ngành Xây dựng trên nền tảng kinh tế số

Lượt xem: 425  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Đây là một trong những nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đề cập tại Chương trình hành động của ngành Xây dựng trong thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ (Chương trình hành động ngành Xây dựng năm 2022).


 

Nâng cao sức cạnh tranh của ngành Xây dựng trên nền tảng kinh tế số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề cập trong Chương trình hành động của ngành Xây dựng năm 2022.

 

Tại Quyết định số 28/QĐ-BXD ngày 20/01/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ban hành Chương trình hành động ngành Xây dựng năm 2022. Chương trình nêu rõ 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 6 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP.

Một trong những nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đề cập trong Chương trình, nhằm thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP là nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành Xây dựng dựa trên nền tảng kinh tế số.

Cụ thể, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ xây dựng chiến lược phát triển ngành đến năm 2030; Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đầu tư công; nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch; Khẩn trương, quyết liệt, hiệu quả trong công tác chuẩn bị đầu tư; Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

Bộ trưởng đồng thời yêu cầu đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình xây dựng; Nâng cao chất lượng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán xây dựng; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giảm thiểu sự cố.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất, xây dựng hệ thống công cụ mới phục vụ việc xác định và quản lý chi phí; Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng, quy hoạch, xây dựng công trình, nhà ở đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Trong quản lý vật liệu xây dựng, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phổ biến và triển khai hiệu quả “Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050”, “Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030’’ và đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.

Trong công tác quản lý phát triển doanh nghiệp, Bộ Xây dựng sẽ phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty Xi măng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là công tác cổ phần hoá. Thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu theo kế hoạch được duyệt và tập trung tái cơ cấu, thoái vốn đối với Tổng công ty cổ phần Sông Hồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng - CTCP.

Đối với các đơn vị sự nghiệp, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Xây dựng”; Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW; Đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, Chương trình hành động của ngành Xây dựng năm 2022 cũng nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong đó có nhóm nhiệm vụ đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính.

Theo đó, Bộ Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số tại “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ Xây dựng tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và kiểm tra, giám sát; Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực; gắn cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa Bộ Xây dựng.

Tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và công khai kết quả xử lý trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025; thực thi Phương án đơn giản hóa sau khi được phê duyệt...

Minh Hằng/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 425  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207