Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Bộ Xây dựng, kết hợp trực tuyến với 114 điểm cầu là các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc địa phương và các đơn vị và doanh nghiệp thuộc ngành Xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị.
Kết quả tích cực
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết: Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư từ tháng 4/2021 đến nay đã gây tổn hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội trên cả nước, trong đó có ngành Xây dựng.
Với sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ, sự chỉ đạo, lãnh đạo kịp thời của lãnh đạo Bộ Xây dựng, sự nỗ lực của toàn ngành, năm 2021, ngành Xây dựng đã đạt được kết quả khá tích cực.
Theo đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021, Bộ ban hành Chương trình hành động để triển khai với 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 74 nhiệm vụ tại Quyết định số 63/QĐ-BXD ngày 19/01/2021...
Thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2026 của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ, kịp thời các Chương trình, Kế hoạch hành động như Chương trình hành động của ngành Xây dựng triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tại Quyết định số 804/QĐ-BXD ngày 12/7/2021), Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 (tại quyết định số 1296/QĐ-BXD ngày 30/11/2021)...
Bộ Xây dựng đã kịp thời tham mưu trình Chính phủ ban hành các giải pháp hỗ trợ ngành Xây dựng như trình Chính phủ ban hành các Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; quản lý phát triển vật liệu xây dựng; phát triển và quản lý phát triển nhà ở xã hội…
Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, kinh tế Việt Nam đã có bước chuyển biến tích cực từ quý IV/2021, trong đó ngành Xây dựng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể, giá trị gia tăng ngành Xây dựng ước quý IV/2021 tăng 33% so với quý III/2021, trong đó, hoạt động xây dựng chuyên dụng ước tăng 51%, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng ước tăng 39%, xây dựng nhà ở các loại ước tăng 25%. Mặc dù có sự tăng trưởng khá trong quý IV/2021 nhưng các tháng đầu năm bị ảnh hưởng do dịch bệnh nên nhìn chung giá trị tăng thêm ngành Xây dựng năm 2021 ước thực hiện vẫn tương đương so với năm 2020.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng báo cáo tại Hội nghị.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết: Ước năm 2021, ngành Xây dựng đạt một số chỉ tiêu: Giá trị tăng thêm của ngành Xây dựng dự kiến tăng 0,2-0,5% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản so với cùng năm trước tăng khoảng 3,1%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25 m2/người.
Về vật liệu xây dựng, ước tính sản lượng tiêu thụ một số vật liệu xây dựng chủ yếu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Xi măng tiêu thụ ước đạt khoảng 105,6 triệu tấn, tăng khoảng 2%; Kính xây dựng khoảng 186 triệu m2, tăng khoảng 24%; Sứ vệ sinh khoảng 16 triệu sản phẩm, tăng khoảng 7%; Đá ốp lát khoảng 17 triệu m2, giảm khoảng 10%; Gạch ốp lát khoảng 440 triệu m2, giảm khoảng 13%; Với công nghiệp khoảng 2,3 triệu tấn, giảm khoảng 8%; Tấm lợp amimăng khoảng 36 triệu m2, giảm khoảng 20%; Gạch nung 18,4 tỷ viên, giảm khoảng 26%; Gạch không nung 3,35 tỷ viên, giảm khoảng 33%..
Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc năm 2021 ước đạt 40,5%. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 92% (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020).
Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn: 17,2% (giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2020); Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý 15% (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020).
Năm 2022, bám sát tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ngành Xây dựng quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực, cố gắng cao độ thực hiện nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ giao.
Ngành Xây dựng phấn đấu đạt Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xây dựng ước 4,96-5,56%; Diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5 m2/người; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41,5-42% (Chỉ tiêu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15); Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 94%; Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm dưới 16,5%; Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt 16%.
Ngành Xây dựng sẽ tập trung thực thiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; Đẩy mạnh công tác các quản lý đầu tư xây dựng, giám sát chất lượng công trình, quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý phát triển đô thị, quản lý hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, quản lý vật liệu xây dựng; Chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu…
Tại Hội nghị, đại diện các Sở Xây dựng địa phương, các đơn vị và doanh nghiệp thuộc Bộ đã có một số kiến nghị, giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành Xây dựng trong năm 2022.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành: Thực hiện đột phá trong xây dựng thể chế chính sách
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao những thành quả ngành Xây dựng đạt được trong năm 2021: Ngành Xây dựng tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất toàn ngành vẫn tăng so với năm 2020. Trong điều kiện dịch bệnh ảnh hưởng lớn nhưng hầu hết các chỉ tiêu quản lý ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Nhận định: Năm 2021, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp, đất nước đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong kết quả chung đó, có đóng góp quan trọng của ngành Xây dựng, một trong những ngành sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng của nền kinh tế.
Cơ bản đồng tình với các mục tiêu và 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp Bộ Xây dựng đề cập tại Hội nghị, Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cần tập trung vào một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, Bộ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đột phá về xây dựng thể chế chính sách. Rà soát các quy định của pháp luật, nhất là các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của Bộ đã ban hành để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành với mục tiêu vừa bảo đảm vai trò quản lý nhà nước của Bộ nhưng đồng thời phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các ngành, các địa phương, đơn vị nhằm tạo môi trường thuận lợi, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ hai, quản lý công tác quy hoạch xây dựng có chất lượng, định hướng phát triển cho từng ngành, từng địa phương cũng như cả nước; Kiểm soát tốt quá trình quản lý thực hiện theo quy hoạch. Trong quản lý phát triển đô thị cần đặc biệt chú trọng vấn đề cảnh quan, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm bảo đảm chất lượng, sự phát triển bền vững của đô thị gắn với cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân.
Thứ ba, Bộ Xây dựng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong thực hiện quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, nhất là tại các đô thị và khu vực phát triển mới, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Thứ tư, Bộ Xây dựng xây dựng các Đề án, chương trình, kế hoạch, hoạt động cụ thể để thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam nhằm phát triển nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Triển khai thi hành hiệu quả Luật Kiến trúc; Xây dựng đội ngũ kiến trúc sư có tài năng, bản lĩnh, có khả năng thiết kế các công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị cao.
Thứ năm, Bộ đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030. Coi việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho nhân dân, trước hết là nhà ở cho người có công, người nghèo, công nhân trong các khu công nghiệp - cụm công nghiệp là một trụ cột của chính sách an sinh xã hội. Cần có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại bảo đảm có giá cả phù hợp với thu nhập của người dân.
Thứ sau, bổ sung cơ chế chính sách, quy định, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đầu cơ bất động sản. Tiếp tục tái cơ cấu thị trường bất động sản, cân đối cung cầu, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai và nguồn lực đầu tư.
Thứ bảy, thực hiện tốt công tác thẩm định thiết kế, dự toán, cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng, quản lý chi phí và kiểm soát chất lượng xây dựng công trình…
Thứ tám, rà soát, điều chỉnh kịp thời các công cụ quản lý đầu tư xây dựng (định mức, tiêu chuẩn, chỉ số giá...) phù hợp với thực tiễn hoạt động xây dựng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng đổi mới về thiết bị công nghệ, vật liệu xây dựng, biện pháp thi công, để từng bước hiện đại hóa ngành Xây dựng.
Phó Thủ tướng tin tưởng: Với bề dày truyền thống vẻ vang 63 năm của ngành Xây dựng Việt Nam, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thách thức; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: Ngành Xây dựng tập trung vào 3 khâu đột phá
Thay mặt toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cảm ơn sự động viên, khích lệ, quan tâm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đối với ngành Xây dựng.
Bộ trưởng cam kết: Ngành Xây dựng nghiêm túc quán triệt, tiếp thu, có giải pháp và quyết tâm thực hiện hiệu quả cao nhất các chỉ đạo quan trọng của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị.
Nhận định năm 2022 tiếp tục có thuận lợi, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành Xây dựng, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Bộ và các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc các địa phương quan tâm tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng yếu:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc các chỉ đạo quan trọng của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Hội nghị, lấy quyết tâm mới, nỗ lực mới thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất đi đôi với siết chặt kỷ cương, kỷ luật công tác, đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, không được bảo thủ, trì trệ, tận tụy với công việc để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ công tác năm 2022 của ngành Xây dựng.
Thứ hai, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Lãnh đạo các đơn vị phải chăm lo, tạo điều kiện mọi mặt cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động cống hiến, tạo sự đồng thuận, đoàn kết nội bộ, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, quyết liệt, năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác của Bộ năm 2022; Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời các trì trệ, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thứ tư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành các công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao về hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc, hoạt động xây dựng, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở, bất động sản, vật liệu xây dựng, tái cơ cấu Ngành và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh 3 khâu đột phá của ngành Xây dựng. Đột phá thứ nhất là hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường công tác quản lý nhà nước đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.
Bộ trưởng lưu ý các đơn vị tập trung lập Hồ sơ đề xuất xây dựng một số Luật mới như: Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Cấp thoát nước, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý không gian ngầm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Bộ trưởng lưu ý: Trong quá trình xây dựng pháp luật phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với Hiến pháp và các chủ trương, Nghị quyết của Đảng; Thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tránh chồng chéo; Phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đảm bảo tính khả thi; Tuân thủ luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Bảo đảm tiến độ, chất lượng; Tăng cường phân cấp cho địa phương, đồng thời phải có công cụ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; Đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong công tác xây dựng pháp luật.
Đột phá thứ hai, tập trung cho công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Cụ thể, nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, đảm bảo tầm nhìn, dự báo và tính khả thi; Kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về công tác quy hoạch. Các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị đồng bộ, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn.
Đột phá thứ ba là đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản, nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.
Thứ năm, các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai tăng cường quản lý Nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn vệ sinh lao động. Theo dõi tình hình sản xuất và thị trường vật liệu xây dựng; đảm bảo tiến độ lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ của ngành. Tiếp tục làm tốt công tác hợp tác quốc tế.
Các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Quản lý hoạt động và đầu tư sản xuất kinh doanh đúng pháp luật, đạt hiệu quả cao nhất. Thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn đúng theo quy định, không làm thất thoát vốn, tài chính, tài sản nhà nước, tối đa hóa lợi ích nhà nước. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo đầu tư công trong năm 2022 đảm bảo tiến độ, đúng quy định.
Thứ sáu, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng theo quy định và kế hoạch của Bộ.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các kế hoạch của Bộ về chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tiêu chuẩn quản lý trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện công vụ, phấn đấu cải thiện chỉ số xếp hạng về hành chính của Bộ. Các đơn vị và các địa phương lưu ý cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho 1 tập thể và 3 cá nhân.
Thứ tám, tăng cường sự phối hợp thực chất giữa Bộ Xây dựng với các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương và các Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Tiếp tục mở rộng, tăng cường đối thoại giữa Bộ và các doanh nghiệp, các Hiệp hội và người dân; Làm tốt công tác thông tin, truyền thông để tuyên truyền chính sách, pháp luật, tạo đồng thuận trong xây dựng và thự thi chính sách, pháp luật phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông trong hoạt động của Bộ.
Thứ chín, bên cạnh tập trung cho công tác quản lý nhà nước, các đơn vị phải hết sức quan tâm công tác xây dựng Đảng, Đoàn thể. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách…
Bộ trưởng tin tưởng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, ngành Xây dựng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.