Khóa đào tạo nằm trong khuôn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển”, hỗ trợ quá trình chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn đối với quá trình sản xuất và tiêu thụ nhựa bền vững ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á nhằm góp phần giảm đáng kể lượng rác thải trên biển.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với sự gia tăng rác thải biển. Để giải quyết những thách thức trên, Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu ( EU) và Chính phủ Đức đồng tài trợ được triển khai từ tháng 5/2019 - 4/2022, nhằm hỗ trợ 5 nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á (Việt Nam, Trung Quốc, Inđônêxia, Philippin, Thái Lan) giảm tình trạng nhựa rò rỉ ra đại dương và hỗ trợ mô hình kinh tế tuần hoàn.
TS. Rui. Ludovino – Tham tán thứ nhất Chính sách Hành động khí hậu, môi trường, việc làm và xã hội, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại khóa đào tạo.
Tới dự khóa đào tạo có TS. Rui Ludovino, cố vấn thứ nhất, Các chính sách về hành động khí hậu, môi trường, việc làm và xã hội, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; bà Fanny QUERTAMP, cố vấn quốc gia cấp cao về rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn - Expertise France, bà Helene Paust, đại diện Bộ Hợp tác phát triển kinh tế liên bang Đức, làm việc tại Đại sứ quán Đức ở Việt Nam. Về phía Việt Nam có ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ông Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng cùng các giảng viên tham gia khóa đào tạo.
TS. Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng: “AMC đã và đang cộng tác với các đối tác trong nước và quốc tế, trong đó có Expertise France để xây dựng những chương trình đào tạo, những nghiên cứu liên quan đến rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn trong mối quan hệ với quá trình đô thị hoá”.
Phát biểu khai giảng khóa đào tạo, Ông Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viện khẳng định: “Là một đơn vị duy nhất của Bộ Xây dựng thực sứ mệnh đào tạo, nâng cao năng lực về quản lý phát triển đô thị cho các địa phương trên cả nước trong quá trình đô thị hoá, hỗ trợ và đồng hành với các địa phương xây dựng chiến lược phát triển đô thị bền vững, chúng tôi hiểu rằng các đô thị tại Việt Nam đang quan tâm đến việc lồng ghép các công cụ quản lý rác thải vào quy hoạch, kế hoạch quản lý đô thị. Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của GIZ thông qua việc cử chuyên gia về rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn đến AMC làm việc cùng chúng tôi trong 02 năm, AMC đã và đang cộng tác với các đối tác trong nước và quốc tế, trong đó có Expertise France để xây dựng những chương trình đào tạo, những nghiên cứu liên quan đến rác thải nhựa và kinh tế tuần hoàn trong mối quan hệ với quá trình đô thị hoá. Bên cạnh đó, AMC cũng đang chuẩn bị tham gia vào mạng lưới NPAP. Khoá đào tạo này sẽ là bước khởi đầu cho quá trình hợp tác lâu dài nhằm phổ biến bộ công cụ EPR đến tất cả mọi thành phần tham gia vào phát triển đô thị, không chỉ là các doanh nghiệp mà cả các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức dân sự xã hội, hội nghề nghiệp, chính quyền đô thị… Hành động giảm rác thải nhựa cần sự đồng hành và quyết tâm của tất cả các bên”.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại khóa đào tạo.
Khóa đào tạo diễn ra trong hai ngày với các nội dung chính như: Con đường chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam và lý do tại sao EPR là một phần thiết yếu của nền kinh tế tuần hoàn; Khung pháp lý EPR: Thông tin cập nhật về nghị định EPR; Giới thiệu Bộ công cụ EPR cho bao bì; Các khía cạnh chung của EPR; Sự tham gia của lực lương thu gom, xử lý phế liệu tự do trong việc thu gom và phân loại rác thải bao bì; Vai trò của lực lương thu gom, xử lý phế liệu tự do trong chương trình EPR ở Việt Nam – bài học kinh nghiệm từ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa”; Bài học kinh nghiệm và đề xuất cho việc thực hiện chương trình EPR và thiết lập cơ chế PRO tại Việt Nam.
Expertise France hiện đang hỗ trợ Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) triển khai nhiều hoạt động về quản lý chất thải nhựa, góp phần xây dựng khung pháp lý về “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với bao bì”. Mục tiêu của khóa học là đào tạo các chuyên gia, những người sẽ là giảng viên tại các khóa đào tạo nhân rộng nhằm nâng cao năng lực về “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với bao bì”. Nội dung đào tạo dựa trên phiên bản tiếng Việt của Hộp công cụ EPR (EPR toolbox) do PREVENT Waste Alliance xây dựng cũng như việc phát triển Nghị định EPR tại Việt Nam hiện nay. Thông tin đầu vào và kết quả của khóa đào tạo mang tính tương tác cao này sẽ trở thành một phần của quá trình phát triển Dự án, đồng thời hỗ trợ các chuyên gia quốc gia và AMC trong các dự án trong tương lai. Cuối khóa học, học viên đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình đào tạo giảng viên liên quan đến EPR toolbox.