Ngày đăng 24/11/2021 | 12:00 AM

Tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị

Lượt xem: 423  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã ban hành Văn bản số 4832/BXD-QHKT, gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 và Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị.



Các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch.

 

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/3/2019 về tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt và Quyết định số 1398/QĐ-TTg ngày 16/10/2019 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đối với lĩnh vực xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo bổ sung nội dung đã thực hiện trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng theo quy định về chế độ báo cáo thống kê ngành xây dựng, làm cơ sở để Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Trước đó, tại Chỉ thị số 05/CT-TTg và Quyết định số 1398/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, thuộc các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị.

Cụ thể, đối với công tác quy hoạch xây dựng cần nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo việc thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị và cụ thể hóa trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch; rà soát, đánh giá và xử lý các quy hoạch bị điều chỉnh sai quy định; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu để đảm bảo lựa chọn được đơn vị tư vấn lập quy hoạch có đủ năng lực; hoàn thiện và thực hiện quy hoạch không gian ngầm, không gian trên cao. Thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và các quy định của địa phương về việc lấy ý kiến của người dân, cộng đồng, cơ quan tổ chức có liên quan khi lập, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng cổng thông tin quy hoạch xây dựng quốc gia.

Đối với công tác phát triển đô thị cần hoàn thiện các công cụ về quản lý phát triển đô thị và đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng đô thị. Lập chương trình phát triển đô thị cấp tỉnh, chương trình phát triển đô thị từng đô thị, khu vực phát triển đô thị và ban quản lý dự án phát triển đô thị theo quy định.

Các địa phương cân đối nguồn lực, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị, đặc biệt chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật khi xây dựng đường giao thông đô thị; bảo đảm sự kết nối về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trong từng khu vực và toàn đô thị cũng như với các khu vực phụ cận…

Từng bước thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát quá trình phát triển đô thị theo các bộ chỉ tiêu về xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường kiểm soát quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, đặc biệt đối với khu vực đô thị mở rộng.

Tăng cường sự giám sát của nhân dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp trong công tác phát triển đô thị, quản lý trật tự xây dựng đô thị. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công tác lập, quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng và xử lý nghiêm, kịp thời, dứt điểm các vi phạm tại địa phương.


Minh Hằng/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 423  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207