Ngày đăng 21/10/2021 | 12:00 AM

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chủ trì cuộc họp về Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng

Lượt xem: 496  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Ngày 20/10/2021, Bộ Xây dựng đã tổ chức họp trực tuyến về Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp.



Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Trưởng Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp


Tham dự cuộc họp tại điểm cầu Cơ quan Bộ Xây dựng có các Thứ trưởng Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh; các thành viên Ban soạn thảo gồm Lãnh đạo các Cục,Vụ thuộc Bộ Xây dựng, đại diện Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp; Lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội; Tổng hội xây dựng Việt Nam; Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam; Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam; Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Dự cuộc họp tại điểm cầu Tp. Hồ Chí Minh có Lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc Tp. Hồ Chí Minh; Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh.

Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định: Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/1/2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 6/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ; Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ); Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ); Nghị định số 62/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc; Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Tại cuộc họp, thành viên Ban soạn thảo, Lãnh đạo Sở Xây dựng các địa phương, các Hội, Hiệp Hội chuyên ngành đánh giá cao sự chủ động, kịp thời của Bộ Xây dựng trong công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tạo điều kiện hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, người dân tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhằm đẩy nhanh phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội.

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, các thành viên Ban soạn thảo đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo Nghị định, đặc biệt các nội dung về quyết toán công trình, điều chỉnh hợp đồng xây dựng, nhóm ngành nghề hoạt động xây dựng, chấp nhận chủ trương đầu tư, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, phát triển nhà ở xã hội, quản lý thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, Lãnh đạo một số đơn vị kiến nghị cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đề xuất dự thảo Nghị định nên được xây dựng theo nhóm nội dung thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về Quản lý cây xanh đô thị hoặc xây dựng mới Luật Cây xanh đô thị.

Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại biểu nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thiện dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng đồng thời nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế chính sách ngành Xây dựng.

Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng là Nghị định sửa đổi nội dung nhiều Nghị định khác, nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc mang tính cấp bách cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân, nên cần sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều Bộ, ngành, nhiều đơn vị, địa phương. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo, việc xây dựng dự thảo Nghị định phải đảm bảo tuân thủ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật của ngành Xây dựng và các lĩnh vực khác; bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tiễn; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó chú ý tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương; có chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt của Bộ Xây dựng giai đoạn 2021 - 2025. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo, hoàn thiện, trình và được Chính phủ ban hành 8 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 Quyết định, 1 Chỉ thị. Bộ Xây dựng đã ban hành theo thẩm quyền 14 Thông tư. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tiếp tục tập trung cao độ cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quản lý không gian ngầm, Luật Cấp thoát nước; đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

moc.gov.vn
Lượt xem: 496  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207