Ngày đăng 18/10/2021 | 12:00 AM

Bộ Xây dựng: Thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực xây dựng góc nhìn từ thực tiễn

Lượt xem: 488  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Trong lĩnh vực xây dựng, nhiều doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức đã nỗ lực thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm phát triển bền vững. Điều đó thể hiện rõ đến việc bảo vệ môi trường; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người và tài sản thông qua việc đảm bảo an toàn công trình, an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ.

 


An toàn lao động trên công trường được các doanh nghiệp quan tâm, chú trọng hơn trước (Nguồn: Internet).

 

Những kết quả đạt được

Theo Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng): Thực hành kinh doanh có trách nhiệm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ đã được quy định trong các Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc, các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật này và các văn bản pháp luật quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng. Thực tiễn cho thấy đã có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng chấp hành các quy định của pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm và đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể:

Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, bộ phận giám sát nhà thầu đã chú trọng, quan tâm hơn đến an toàn lao động, có các giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, có hại nhằm bảo đảm không làm suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công nên số vụ tai nạn lao động và sự cố công trình xây dựng giảm.

Với hành lang pháp lý đầy đủ, các chính sách ưu đãi và hỗ trợ của nhà nước, nhiều dự án nhà ở xã hội đã được triển khai thực hiện tạo điều kiện giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách xã hội có khó khăn về nhà ở được quy định tại Điều 49, Luật Nhà ở. Quyền lợi của người khuyết tật trong xã hội được đảm bảo hơn trước trong các công trình xây dựng, nhiều tiện ích cho người khuyết tật tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận lợi.

Bảo vệ môi trường đã được quan tâm, chú trọng, các dự án sản xuất vật liệu xây dựng được đầu tư mới áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại với mức độ cơ giới hóa, tự động hóa ngày càng cao; sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường.

Đánh giá của Vụ Vật liệu xây dựng gần đây cho thấy một số lĩnh vực như sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, kính tiết kiệm năng lượng đã đầu tư áp dụng các công nghệ sản xuất ngang tầm với nhiều nước phát triển trên thế giới. Tổng Công ty Xi măng Việt Nam đã đặt mục tiêu cho tương lai là không phát các khí thải có ảnh hưởng đến môi trường; cùng đó, giảm tối đa việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất clinker và xi măng và thay thế bằng các nguyên liệu lấy từ các rác thải, bùn thải, tro xỉ, phế thải xây dựng, tất cả tro thải sau quá trình đốt và các vật chất tương tự. Những nỗ lực của các doanh nghiệp ngành Xây dựng đều hướng tới mục tiêu chung tay cùng xã hội bảo vệ môi trường, bảo vệ con người, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tồn tại, bất cập

Khung pháp lý về thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực xây dựng cơ bản là đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tuy nhiên việc thực thi chưa được đảm bảo nên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định:

Vẫn còn xảy ra tai nạn lao động tại công trình xây dựng mà nguyên nhân chủ yếu là do đơn vị thi công che chắn không đảm bảo yêu cầu, thiếu biển báo, thiết bị cảnh báo người qua đường, ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động của một số chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng chưa nghiêm.

Mặt khác, tình hình ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương có chiều hướng tăng, nhất là tại các thành phố lớn làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng do các hoạt động thu gom phế thải xây dựng không đúng quy định, vận chuyển vật liệu xây dựng trên đường không được che chắn, rơi vãi trên đường gây ô nhiễm và mất an toàn cho người tham gia giao thông; phần diện tích cây xanh, mặt nước trong phát triển đô thị chưa đạt yêu cầu; còn có công trình xây dựng do hệ thống thoát nước thi công xây dựng không đảm bảo gây ngập úng, nước thải thi công chưa được xử lý trước khi xả thải vào hệ thống thoát nước chung gây ô nhiễm.

Đối với thị trường bất động sản thì vẫn còn các bất động sản, dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh vẫn đưa ra giao dịch, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, đồng thời gây mất trật tự an ninh xã hội.

Nguyên nhân và giải pháp

Vụ Pháp chế trong quá trình rà soát, đánh giá đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế nêu trên do nguyên nhân các Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng chưa thực sự nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, nhà ở, nhất là các quy định về đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng; về bảo vệ môi trường; về quy hoạch đô thị; còn nhiều chủ đầu tư chưa báo cáo kịp thời theo quy định để được kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào sử dụng.

Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng chưa được chú trọng, quan tâm nên các hành vi vi phạm chưa được phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, nên chưa đảm bảo tính răn đe và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp.

Tại một số dự án có nhà chung cư, chủ đầu tư chỉ tập trung việc bán căn hộ và các diện tích khác mà không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ đúng quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, dẫn đến tình trạng có nhiều tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài, nhiều khu chung cư người dân phản ứng quyết liệt với chủ đầu tư, căng băng rôn tại các nhà chung cư, cơ quan Nhà nước và các cấp chính quyền, làm ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, an ninh trật tự và tạo dư luận xấu.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Bộ đã đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam, có thể chỉ ra một số giải pháp chính đó là: Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật về đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng, các quy định về bảo vệ môi trường; về quy hoạch đô thị để các doanh nghiệp, nhất là các chủ đầu tư, các nhà thầu nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ đúng quy định.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trọng tâm kiểm tra về các nội dung: Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công tại các công trình xây dựng. Đảm bảo tỷ lệ cây xanh, mặt nước trong các đồ án quy hoạch phát triển đô thị đúng theo quy chuẩn kỹ thuật. Các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng quy định, không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.

Bên cạnh đó, đưa ra chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất xanh, sạch, thực hiện chương trình năng suất chất lượng và áp dụng mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất nhằm giảm thiểu, tuần hoàn chất thải, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Việc thực hiện thực hành kinh doanh có trách nhiệm ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập kinh tế toàn cầu. Lĩnh vực xây dựng cũng góp phần thúc đẩy cho nền kinh tế chung và đảm bảo những giải đồng bộ để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.

Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), thực hành kinh doanh có trách nhiệm (RBP) là các thực hành nhằm ngăn ngừa và giải quyết các tác động tiêu cực đến con người và trái đất, có khả năng đóng góp cho xã hội và sự phát triển bền vững trên phạm vi rộng hơn.

Hà Khánh/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 488  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207