Ngày đăng 10/10/2021 | 12:00 AM

Bộ Xây dựng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Lượt xem: 460  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Trong những tháng cuối năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh trong nước vẫn tiếp tục tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội. Bộ Xây dựng xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.



Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021 (Nguồn: Internet).

 

Tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công 2021

Với số liệu, thống kê đến cuối tháng 9/2021, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao Kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 là 671,24 tỷ đồng. Bộ đã hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2021 và thông báo kế hoạch vốn đầu tư của các dự án đến từng đơn vị chủ đầu tư theo 02 đợt, gồm: Giao 317,521 tỷ đồng trong đợt 1; căn cứ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, giao tiếp đợt 2 là 353,719 tỷ đồng để triển khai 08 nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và 05 dự án khởi công mới trong năm 2021.

Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính, tình hình giải ngân 8 tháng đầu năm 2021 của Bộ Xây dựng được 97,13 tỷ đồng. Ước giải ngân đến ngày 30/9/2021 được 153,13 tỷ đồng. Ước giải ngân cả năm 2021 được 671,24 tỷ đồng. So với kế hoạch vốn đã giao đợt 1, giải ngân 8 tháng đạt 30,6%, ước giải ngân đến ngày 30/9/2021 đạt 48,2%. So với kế hoạch vốn đã phân bổ sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ước giải ngân đến ngày 30/9/2021 đạt 22,8% và ước giải ngân cả năm 2021 đạt 100% kế hoạch năm.

Khó khăn, vướng mắc

Trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, việc chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án của Bộ Xây dựng chủ yếu do phải giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19. Với số lượng ca mắc trong nước tăng lên nhanh chóng, diễn biến dịch khó lường, nhiều địa phương buộc phải giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nên phần lớn các công trình, dự án của Bộ Xây dựng phải tạm dừng không thực hiện.

Đồng thời, công tác triển khai dự án của các chủ đầu tư cũng bị hạn chế như: Thi công gặp nhiều khó khăn trong huy động nhân lực, vật tư, thiết bị; giá vật liệu thép, nhân công tăng cao; một số thiết bị không đáp ứng được tiến độ lắp đặt do hàng hóa không nhập khẩu được về Việt Nam; chuyên gia nước ngoài không sang được Việt Nam để hướng dẫn lắp đặt, vận hành công trình. Chính những điều này đã ảnh hưởng trực tiếp, làm giảm kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2021.

Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư công năm 2021, Bộ Xây dựng được giao vốn để thực hiện 03 dự án quy hoạch ngành quốc gia còn gặp phải vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền của người quyết định đầu tư và chủ đầu tư trong quá trình triển khai trong các khâu giao kế hoạch vốn đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đến nay, các vướng mắc này đã được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và đang triển khai công việc theo quy định.

 


Dự án đầu tư xây dựng Nhà học đa năng - Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội được khởi công năm 2020 là một trong những dự án nằm trong Kế hoạch vốn đầu tư công đã giao năm 2021; dự kiến đến cuối năm giải ngân 100% kế hoạch.

 

Giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Lãnh đạo Bộ Xây dựng luôn quán triệt đây là nhiệm vụ cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động, sáng tạo, hiệu quả trong tổ chức thực hiện và xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2021. Với quan điểm chỉ đạo đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, Bộ Xây dựng đã triển khai đồng bộ một số giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, cụ thể:

Ngay từ đầu năm, sau khi hoàn thành công tác phân bổ vốn đầu tư, Bộ đã ban hành Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ. Trong đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 là một nhiệm vụ trọng tâm, quyết liệt thực hiện để hoàn thành kế hoạch vốn được giao.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, bao gồm: Khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới; Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng; Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn; Đẩy mạnh quyết toán dự án đầu tư hoàn thành và Quy định về khen thưởng, kỷ luật trong giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, với vai trò là Bộ quản lý chuyên nghành, Bộ đã tổ chức rà soát các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng để phát hiện các quy định chưa phù hợp với thực tế triển khai dự án, làm chậm công tác giải ngân vốn đầu tư công. Từ đó, tổng hợp, đề xuất Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh theo đúng thẩm quyền.

Đồng thời, Bộ Xây dựng tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của người quyết định đầu tư, nâng cao vai trò trách nhiệm của các chủ đầu tư, đơn vị liên quan trong việc đẩy nhanh quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công như: Thực hiện phân công trách nhiệm đến từng đồng chí Lãnh đạo Bộ để phụ trách, trực tiếp giải quyết công việc trong lĩnh vực đầu tư để kịp thời chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan, không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao.

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ trong năm 2021. Các trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ cam kết, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; kiên quyết chống trì trệ, tiêu cực trong đầu tư công; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm chậm, sai phạm theo quy định pháp luật.

 


Dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - Trường Đại học Xây dựng Miền Tây giai đoạn 2 sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nứơc dự kiến đến cuối năm hoàn thành giải ngân theo kế hoạch.

 

Bên cạnh những giải pháp trên, Bộ Xây dựng cũng đã thành lập tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực tế và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai của các chủ đầu tư dự án. Mặt khác, yêu cầu các chủ đầu tư cam kết tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn được giao và báo cáo định kỳ 2 tuần trong tháng về kết quả thực hiện.

Bộ Xây dựng với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19,” cùng Chính phủ tiếp tục nỗ lực cao nhất để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, Bộ Xây dựng xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng và đã ban hành một số văn bản chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này như: Chị thị số 01/CT-BXD ngày 09/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và gần nhất là Văn bản 3164/BXD-KHTC ngày 09/8/2021 gửi các đơn vị trực thuộc để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch được giao.

 

Hà Khánh/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 460  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207