Ngày đăng 27/08/2021 | 12:00 AM

Nhiều lợi ích từ việc sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp

Lượt xem: 614  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Đất đá thải mỏ làm nguyên vật liệu san lấp, nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm khác giúp sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất san lấp và tạo nguyên vật liệu mới cho quá trình sản xuất khác.

 

Ảnh minh họa: Trung Nguyên/TTXVN.

 

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 1079/CĐ-TTg, chỉ đạo việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; trong đó, có nội dung xem xét đề nghị sửa đổi quy định của Luật Khoáng sản coi đất đá thải mỏ, đất đồi, đất san lấp không phải là khoáng sản.

Nếu được sửa đổi, quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Quảng Ninh gỡ khó bài toán thiếu nghiêm trọng về vật liệu san lấp đối với các công trình xây dựng hạ tầng; đồng thời, giúp Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) giảm áp lực về diện tích bãi thải, giảm ô nhiễm nguồn nước, môi trường sinh thái... và đem lại hiệu quả về kinh tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỉnh Quảng Ninh đang trong giai đoạn phát triển với nhiều dự án cơ sở hạ tầng được triển khai đồng loạt.

Dự kiến, tổng cộng nhu cầu vật liệu đắp, san lấp mặt bằng trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 là hơn 788 triệu m3, trung bình hơn 130 triệu m3/năm.

Quảng Ninh cũng như Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cho rằng riêng về đất, đá thải mỏ thực chất là chất thải rắn công nghiệp thông thường, phát sinh từ hoạt động khai thác, sản xuất than. Nếu xem đất đá thải mỏ than là chất thải rắn công nghiệp thông thường thì theo Điều 45, Luật Bảo vệ môi trường 2014, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải. Nhà nước có chính sách khuyến khích giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải và thu hồi năng lượng từ chất thải.

Thực tế, Quảng Ninh đang có khối lượng đất đá thải mỏ than rất lớn, khoảng 1.500 triệu m3. Hàng năm, các mỏ than phát sinh hơn 100 triệu m3 đất đá thải, đang chiếm ngày càng nhiều diện tích đất và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan và sạt lở đất.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh việc tái sử dụng đất đá thải mỏ là yêu cầu bức thiết của Quảng Ninh hiện nay, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn; đồng thời, giảm áp lực, hạ độ cao cho các bãi thải mỏ, đảm bảo môi trường… đặc biệt là đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông ở địa phương.

Đất đá thải mỏ làm nguyên vật liệu san lấp và nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm khác sẽ giúp sử dụng tiết kiệm tài nguyên đất san lấp và tạo nguyên vật liệu mới cho quá trình sản xuất khác.

Chủ trương sử dụng nguồn đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng sẽ đạt được đa mục tiêu theo hướng tích cực góp phần giảm áp lực về diện tích bãi thải; giảm ô nhiễm nguồn nước, môi trường sinh thái...

Đồng thời,điều này giúp giảm đáng kể chi phí xử lý đất đá thải mỏ và tăng hiệu quả kinh tế khai thác của ngành than trên địa bàn.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Ngọc Cơ cho hay chủ trương tái sử dụng đất đá thải mỏ rất thiết thực, có tính thời sự cao, đồng nhất với định hướng phát triển bền vững của Tập đoàn. Việc sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp sẽ mang lại lợi ích cả về kinh tế và xã hội.

Thực hiện chủ trương này, đến nay, Tập đoàn đã quy hoạch 8 bãi thải mỏ ở 2 vùng Cẩm Phả và Hòn Gai để sẵn sàng phục vụ nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng các dự án hạ tầng của tỉnh.

Theo đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, đất, đất san lấp, đất đồi là tài nguyên đất, nên xếp riêng với tài nguyên khoáng sản để đảm bảo tính khoa học và thuận lợi cho quản lý tài nguyên. Nếu xem đất là tài nguyên khoáng sản thì phát sinh nhiều bất cập như: hầu hết tất cả các dự án đầu tư xây dựng công trình gồm cả xây dựng nhà ở của dân, dự án đào đắp đê điều… đều có hoạt động đào, đắp và đều “phát hiện” tài nguyên đất, đất san lấp.

Do đó, nếu xem đất, đất san lấp là khoáng sản thì hầu hết các dự án xây dựng công trình đều phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản.

Bên cạnh đó, nếu xem đất là tài nguyên khoáng sản thì để có nguồn đất phục vụ cho san lấp phải thực hiện một loạt các thủ tục hành chính như: đấu giá, không đấu giá, cấp phép thăm dò, thi công thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập dự án khai thác đất, báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép khai thác…., ước tính mất khoảng 1 năm, trong khi các dự án có niên độ từ 1-3 năm. Điều này sẽ làm chậm tiến độ các dự án.

Hiện nay, do Luật Khoáng sản coi đất đá thải mỏ như là tài nguyên khoáng sản đi kèm than, nên việc quản lý nhà nước khá chặt chẽ. Do vậy, để sử dụng đất đá thải mỏ nói chung, phục vụ san lấp nói riêng phải thực hiện đầy đủ một loạt các thủ tục hành chính như: đánh giá trữ lượng, lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án mỏ, lập hồ sơ xin cấp phép khai thác thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường, với thời gian thực hiện từ 1-1,5 năm.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho Quảng Ninh khai thác trên 700.000m3 đất đá thải mỏ của Công ty cổ phần Than Núi Béo làm vật liệu san lấp phục vụ dự án đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả.

Trong khi chờ các bộ, ngành Trung ương có sự điều chỉnh, Quảng Ninh đã chủ động lên các phương án sử dụng đất đá thải mỏ làm nguồn vật liệu san lấp mặt bằng, vị trí, cung đường vận chuyển đối với từng dự án, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội.

Dự kiến, các dự án tại thị xã Quảng Yên, thành phố Hạ Long sẽ ưu tiên lấy đất đá tại các bãi thải Chính Bắc (mỏ Núi Béo), Hà Ráng, Bắc Bàng Danh (mỏ Hà Tu) và các bãi thải trong, ngoài mỏ Tân Lập.

Các dự án tại khu vực thành phố Cẩm Phả, Khu kinh tế Vân Đồn sẽ lấy đất đá tại bãi thải Đông Cao Sơn; dự án tại thành phố Uông Bí, thị xã Đông Triều sẽ được tận dụng khai thác từ bãi thải mỏ tại Uông Bí, Đông Triều./.

Theo Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)
Lượt xem: 614  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207