Luật Quy hoạch (2017) không những đã hệ thống hóa lại toàn bộ hệ thống quy hoạch quốc gia mà còn có tác động sâu sắc đến hệ thống văn bản pháp luật về quy hoạch xây dựng (QHXD) và quy hoạch đô thị (QHĐT). Ở cấp độ vùng tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Quy hoạch tỉnh là bản quy hoạch tổng thể, tích hợp đa ngành duy nhất thay thế cho tất cả các quy hoạch lĩnh vực trước đây, trong đó có Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh. Ở cấp độ đô thị và nông thôn, Quy hoạch xây dựng đô thị nông thôn là quy hoạch ở mức độ chi tiết nhất trong hệ thống quy hoạch quốc gia, không còn một quy hoạch chuyên nghành nào khác tương đương mức này. Do đó việc điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật liên quan là cần thiết để đảm bảo tính liên tục và thống nhất giữa pháp luật về quy hoạch từ cấp quốc gia (tổng thể quốc gia) đến cấp nhỏ nhất (điểm dân cư) và đồng thời đảm bảo cho quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn mang nội dung tích hợp, đa ngành đầy đủ và toàn diện để định hướng phát triển cho đô thị và nông thôn.
Ảnh minh họa.
Mặc khác, hệ thống các văn bản pháp luật khác như: Luật Kiến trúc, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, NQ1210/UBTVQH, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.... đã có những đổi mới đòi hỏi văn bản pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị cần cập nhật và thay đổi đảm bảo tính tương thích.
Một số vấn đề tổng quan cần đổi mới
Công tác quy hoạch và sản phẩm quy hoạch chưa thể hiện là một nghiên cứu mang tính khoa học mà phần nhiều dựa trên kinh nghiệm
Nguyên nhân là trong các văn bản pháp luật hiện hành chưa có các quy định đảm bảo tính liên thông và đồng bộ về cơ sở dữ liệu giữa ngành Xây dựng với các ngành liên quan đến dân số, lao động, đất đai, hạ tầng kỹ thuật (HTKT); Thiếu các quy định về cơ sở dữ liệu số cho quy hoạch và trách nhiệm của các ngành khác về việc xây dựng và cung cấp cơ sở dữ liệu cho công tác quy hoạch khiến việc khai thác dữ liệu còn hạn chế và mất nhiều thời gian; Kinh phí, định mức làm quy hoạch không đủ cho các nghiên cứu chuyên sâu (dự báo và chạy mô hình kỹ thuật số về giao thông, về ngập lụt, mô hình phát thải ô nhiễm...); Không có quy định và chi phí cho công tác điều tra xã hội học theo các chủ đề của đô thị (nhu cầu, thị hiếu và sản phẩm dịch vụ...) làm nền tảng cho quy hoạch; Dự báo phát triển chưa sát với tình hình phát triển, tốc độ tăng trưởng thực tại và phụ thuộc nhiều vào các các chỉ tiêu mong muốn (có thể là duy ý chí) của địa phương. Các ứng dụng mới về công nghệ về thông tin và đồ họa đưa vào quy hoạch (BIM, GIS, 3D) cũng chỉ mới được manh nha lồng ghép vào văn bản pháp luật trong những năm gần đây và chưa thành một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ.
Quy hoạch đã có tích hợp nhưng chưa thể hiện hết vai trò là một quy hoạch tích hợp cuối cùng trong hệ thống quy hoạch Quốc gia
Luật Quy hoạch 2017 đã xác định hệ thống Quy hoạch quốc gia theo tầng bậc gồm: Cấp Quốc gia, cấp Vùng, cấp Tỉnh... Quy hoạch đô thị-nông thôn. Như vậy có thể hiểu Quy hoạch xây dựng đô thị nông thôn là quy hoạch ở mức độ chi tiết nhất trong hệ thống luật, không còn một quy hoạch chuyên ngành nào khác. Do vậy Luật cần thay đổi, bổ sung thêm các nội dung tích hợp để đảm bảo mọi chuyên ngành cần đến đất đai và không gian đều được nằm trong Luật Quy hoạch đô thị mới. Đặc biệt là cần xem xét lại sự cần thiết của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tại các thị xã, thành phố thuộc tỉnh khi đã có quy hoạch đô thị.
Tính tầng bậc của quy hoạch hiện nay làm hạn chế tính hiệu quả và chậm đưa quy hoạch vào thực tiễn
Quy hoạch đô thị hiện nay đang quy định theo tầng bậc 03 cấp độ: Quy hoạch chung (QHC)-Quy hoạch phân khu (QHPK)-Quy hoạch chi tiết (QHCT). Tuy nhiên đối tượng là các đô thị lớn (như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) quy hoạch và quản lý sẽ khác với các đô thị tỉnh lỵ, thị xã thuộc tỉnh, đô thị hiện có khác với đô thị mới hoặc khu chức năng mới thành lập. Đối tượng lập khác nhau và các quy mô khác nhau nên áp dụng quy định sẽ không giống nhau. Các đô thị lớn thì có thể tồn tại 3 cấp quy hoạch. Các đô thị quy mô nhỏ hoặc các đô thị, các khu chức năng xây dựng mới hoàn toàn cũng có thể nên xem xét rút bớt các cấp độ quy hoạch. Việc cân nhắc giảm bớt các cấp độ quy hoạch tại một số trường hợp sẽ giúp phần đẩy nhanh công tác làm quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ cho các dự án tái thiết hoặc phát triển mới đô thị.
Ngay cả khi đáp ứng tính tầng bậc thì nguyên tắc “Quy hoạch cấp dưới tuân thủ quy hoạch cấp trên” trong Luật chưa được rõ ràng. Tuân thủ là tuân thủ mức độ nào ? nội dung nào?... đều không được đề cập rõ trong các văn bản pháp luật. Do vậy, mô hình “Top-Down” hiểu máy móc trong quy hoạch là nguyên nhân của tình trạng cứng nhắc trong quy hoạch, thiếu linh hoạt, không dám đột phá trong quy hoạch cấp dưới, mọi việc đều phải chờ quy hoạch cấp trên hoặc chờ điều chỉnh quy hoạch mới giải quyết. Đây là một cản trở lớn trong quản lý và đầu tư phát triển đô thị.
Tính bền vững trong quy hoạch chưa cao
Tình trạng liên tục điều chỉnh quy hoạch đặc biệt là điều chỉnh cục bộ đã thể hiện tính bền vững trong quy hoạch chưa cao. Việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ là do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể tồn tại cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Một mặt nếu không giải quyết sẽ làm mất các cơ hội đầu tư phát triển đô thị, mặt khác lại khiến đô thị phát triển thiếu đồng bộ và thiếu kiểm soát. Ngoài các nguyên nhân do nhu cầu đầu tư đột biến chưa tính toán hết trong quy hoạch dẫn đến điều chỉnh cục bộ còn là do bản thân đồ án quy hoạch khá cứng nhắc thiếu linh hoạt. Do vậy, nội dung đồ án quy hoạch trong Luật mới không chỉ đơn giản là tổng mặt bằng và các chỉ tiêu đất đai và hạ tầng. Luật cần bổ sung những nội dung mới để quy hoạch mang tính chiến lược hơn, xác định được những yếu tố cần bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt và các nội dung được phép phát triển linh hoạt. Quy trình lập và phê duyệt quy hoạch cần đảm bảo sự tham gia các bên để quy trình điều chỉnh quy hoạch cục bộ minh bạch, hiệu quả hơn, thúc đẩy các cơ hội phát triển đồng thời bảo vệ lợi ích cộng đồng. Quy định cũng cần bổ sung công cụ đánh giá khả năng dung nạp của quỹ đất, hạ tầng của toàn đô thị khi lập đồ án Quy hoạch chung và yêu cầu điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải chứng minh, đánh giá mức độ tác động của điều chỉnh lên hệ thống hạ tầng làm cơ sở ra quyết định.
Khối lượng hồ sơ quy hoạch khá lớn, được nghiên cứu công phu nhưng hiệu quả chưa cao
Nội dung quy hoạch được quy định khá chi tiết rất dễ đối chiếu thực hiện. Đây là ưu điểm nhưng cũng chính là nhược điểm của văn bản pháp luật. Tất cả các đô thị đều thực hiện toàn bộ nội dung quy hoạch nêu trên theo đúng quy định khiến công tác quy hoạch đô thị và tất cả sản phẩm quy hoạch tại mọi đô thị đều giống nhau.
Tuy nhiên thực tế cho thấy mỗi một đô thị quy mô khác nhau, vị trí địa lý khác nhau lại có các vấn đề khác nhau cần giải quyết. Có đô thị cần phát triển đồng bộ mở rộng mạnh với quy mô lớn, có đô thị tập trung vào các giải pháp bảo tồn chỉnh trang, có đô thị vấn đề môi trường là quyết định... Do vậy, nội dung và hồ sơ đồ án quy hoạch cần được thay đổi linh hoạt cho đảm bảo với nhu cầu, đặc thù từng đô thị. Chính vì các quy định quá chi tiết (theo bộ môn) mà thực tiễn khi khảo sát về hiệu quả của công tác quy hoạch nhiều địa phương cho rằng nội dung trong quy hoạch rất công phu, mất nhiều công nghiên cứu nhưng địa phương chỉ sử dụng một phần. Có các địa phương còn nêu rõ hiện nay chỉ sử dụng bản quy hoạch sử dụng đất và giao thông để quản lý đô thị các hồ sơ khác có ít tác dụng.
Do vậy, trong Luật mới cũng cần có sự đổi mới để đảm bảo nội dung quy hoạch được linh hoạt, đáp ứng đúng trọng tâm của từng đô thị, tập trung vào các giá trị cốt lõi gắn với hạ tầng khung cứng và các vấn đề phục vụ dân sinh. Các nội dung không cần thiết hoặc quá chi tiết hoặc không phù hợp với thực tiễn có thể giảm bớt hoặc loại bỏ.
Các nội dung cụ thể cần đổi mới trong hệ thống văn bản phát luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị
Làm rõ đối tượng lập quy hoạch kèm theo các nội dung đặc thù
Các đối tượng quy hoạch là các khu chức năng cần được làm rõ trong Luật mới kèm theo có các quy định về nội dung quy hoạch nhằm thể hiện được tính đặc thù, thể hiện chức năng riêng biệt của từng đối tượng lập quy hoạch;
Xem xét bổ sung các nội dung quy hoạch phù hợp với các đối tượng trong đô thị có các giải pháp và hồ sơ quy hoạch rất khác biệt như: Khu vực quy hoạch cải tạo chỉnh trang; Khu vực quy hoạch bảo tồn các giá trị kiến trúc, di sản đô thị…
Làm rõ phạm vi lập quy hoạch
Làm rõ đối với quy hoạch đô thị phạm vi lập quy hoạch là phạm vi hành chính hay phạm vi đô thị cần phát triển, cần sự kiểm soát của quy hoạch trong tương lai. Phạm vi lập thiết kế đô thị (TKĐT) dọc tuyến đường trong đô thị cũng cần được làm rõ để có giải pháp đồng bộ khi cải tạo mở mới các tuyến đường trong đô thị.
Điều chỉnh lại nguồn vốn, hình thức đấu thầu và chi phí lập quy hoạch
Quan điểm gọi chung Quy hoạch là “dịch vụ tư vấn” là quan điểm không chính xác. Đối với các quy hoạch chi tiết phục vụ các dự án đầu tư cụ thể có thể gọi đó là dịch vụ tư vấn. Các QHC đô thị, QHC khu chức năng, QHXD vùng huyện, liên huyện phải được hiểu là một bản chiến lược của một lãnh thổ được xây dựng bởi các bên liên quan ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn là vấn đề dân sinh, vấn đề an ninh quốc phòng. Đối với các loại hình này cần phải chỉ định thầu đối với tổ chức đủ năng lực. Việc đấu thầu là không cần thiết khi đã có các định mức đơn giá nhà nước ban hành và đang được áp dụng là “giá trần”.
Ngoài ra, nguồn vốn cho các quy hoạch vĩ mô này cần được bố trí bằng các nguồn đảm bảo để hoạt động được diễn ra liên tục, không vì nguồn vốn quy hoạch mà gián đoạn công tác lập quy hoạch ảnh hưởng đến các thủ tục đầu tư. Mục 2, Điều 12 quy định “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị” cũng cần được làm rõ để đảm bảo huy động nhiều nguồn lực cho quy hoạch nhưng cũng tránh được các tác động tiêu cực chi phối quy hoạch.
Định mức quy hoạch chưa hợp lý dẫn đến cấu thành giá lập quy hoạch quá thấp, không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng công tác lập quy hoạch. Chi phí lập quy hoạch hiện nay không đủ để khảo sát, điều tra xã hội học, chạy các mô hình số thử nghiệm về giao thông, ngập lụt... và cũng không thể khai thác các nội dung trên từ nguồn nào khác. Do vậy các Nghị định và thông tư liên quan đến vấn đề này cần sửa đổi nhằm đảm bảo chi phí cho quy hoạch.
Điều chỉnh cách thức lập, nội dung của nhiệm vụ quy hoạch
Cách thức lập nhiệm vụ quy hoạch hiện nay mang tính hình thức chủ yếu xác định được ranh giới, quy mô, tính chất và các dự báo đô thị. Tuy nhiên việc tổ chức lập, thẩm định phê duyệt nhiệm vụ mất nhiều thời gian do các quy trình quy định trong luật. Trong quá trình lập quy hoạch các nội dung trên lại có thể biến đổi. Do vậy cần chỉnh sửa các nội dung lập nhiệm vụ theo hướng ngắn gọn chủ yếu là dạng văn bản xác định quy mô lập quy hoạch và kinh phí lập. Các nội dung này hoàn toàn có thể do các cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch địa phương xác định. Quá trình lập quy hoạch cơ quan tư vấn, cơ quan quản lý và các bên liên quan khác sẽ cụ thể hóa và làm rõ trong hồ sơ quy hoạch.
Sửa đổi nội dung đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị
Điều 25,26,27,28,29,30,31 của Luật Quy hoạch đô thị quy định về nội dung quy hoạch cho các đối tượng. Tuy nhiên khi đối tượng lập quy hoạch cần mở rộng thì nội dung lập quy hoạch cũng cần bổ sung cho phù hợp với đối tượng. Ví dụ:
Nội dung theo các đô thị có đặc trưng vùng miền khác nhau (các đô thị theo vùng miền; đô thị vùng đồng bằng, đô thị vùng trung du, đô thị vùng núi, đô thị vùng ảnh hưởng thiên tai, đô thị vùng biên giới, đô thị lớn).
Nội dung theo các đối tượng khác nhau trong cùng đô thị: Quy hoạch khu trung tâm, quy hoạch khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), quy hoạch không gian công cộng, quy hoạch cải tạo nâng cấp khu dân cư hiện hữu, quy hoạch bảo tồn, quy hoạch các khu chức năng có đặc thù riêng, quy hoạch đô thị mới, thiết kế đô thị;
Sửa đổi các nội dung đồ án quy hoạch để đảm bảo các nguyên tắc xác định tại phần I bao gồm: Bổ sung các quy định để đảm bảo hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin đầu vào có chất lượng; Bổ sung các yêu cầu và các nội dung kỹ thuật nhằm tăng chất lượng và tính khoa học trong quy hoạch; Bổ sung các quy định về ứng dụng khoa học công nghệ vào quy hoạch; Bổ sung các nội dung đảm bảo quy hoạch đô thị tích hợp và thay thế toàn bộ các nội dung đang tồn tại trong ngành khác. Đặc biệt việc quy hoạch đô thị sẽ thay thế quy hoạch sử dụng đất cấp huyện tại các thị xã, thành phố thuộc tỉnh là rất cần thiết...
Bổ sung nội dung về xây dựng tầm nhìn và xác định chiến lược phát triển không gian đô thị (kiến nghị nằm giữa nội dung đánh giá hiện trạng và đề xuất quy hoạch). Đây là bước trung gian quan trọng làm nền tảng cho các giải pháp quy hoạch sau này. Nội dung này quan trọng thể hiện tính tích hợp liên ngành và cần có sự phối hợp của nhiều ngành và các bên liên quan khác cùng đề xuất.
Bổ sung ranh giới phát triển đô thị và các nội dung đi kèm với nó. Đây là một nội dung quản lý đô thị quan trọng với mục đích quản lý, tránh phát triển tràn lan tùy tiện và tăng hiệu quả sử dụng đất. Hồ sơ quy hoạch cũng cần đưa ra khái niệm và thể hiện được nội dung này.
Làm rõ trong Luật các quy định về mối liên hệ giữa 03 cấp quy hoạch Chung - Phân khu - Chi tiết trong đó làm rõ trách nhiệm của mỗi quy hoạch, mục tiêu của mỗi quy hoạch và các nội dung nào bắt buộc phải tuân thủ nội dung nào được thay đổi giữa quy hoạch cấp dưới và quy hoạch cấp trên.
Xem xét sự cần thiết việc duy trì 03 cấp độ quy hoạch tại mọi đô thị. Đối với đô thị quy mô nhỏ, đối với các đô thị mới hoặc các khu chức năng được xây dựng mới có thể xem xét tích hợp nội dung quy hoạch phân khu vào quy hoạch chung để giảm bớt từ 03 xuống còn 02 cấp quy hoạch.
Sửa đổi quy định về quy hoạch nông thôn
Đối với huyện thuộc thành phố trực thuôc trung ương, đề xuất bổ sung nội dung lập quy hoạch đối với các huyện ngoại thị. Đối với các huyện ngoại thị thuần nông thì tiến hành lập quy hoạch xây dựng vùng huyện. Đối với các huyện có khả năng phát triển đô thị cho phép lập quy hoạch chung huyện tỷ lệ 1/10.000 để quản lý tốt công tác phát triển đô thị.
Đề xuất sửa đổi bổ sung về yêu cầu tích hợp cả nội dung kinh tế - xã hội, dân số và đất đai hay mức độ tuân thủ của quy hoạch cấp trên của QHXD vùng huyện, QHCXD khu vực ngoại thành, ngoại thị, đối với QHC xã thuộc huyện nông thôn và xã thuộc thành phố, thị xã.
Sửa đổi quy định về hồ sơ quy hoạch
Mỗi đô thị sẽ có các vấn đề khác nhau và nhu cầu quản lý rất khác nhau. Do vậy cần thiết phải có cách quy định mở hơn cho Hồ sơ quy hoạch. Các nội dung quan trọng của đô thị cần xem xét bổ sung, các nội dung của hồ sơ qua thực tiễn cho thấy không hiệu quả hoặc quá chi tiết có thể cần chỉnh sửa theo hướng giảm bớt hoặc loại bỏ.
Ví dụ gợi ý một số nội dung cần chỉnh sửa trong hồ sơ QHC như sau:
Xem xét đưa vào trong hồ sơ nội dung về ranh giới phát triển đô thị (khuyến khích) và ranh giới không phát triển đô thị (hạn chế và cấm).
Xem xét các quy định về sử dụng đất và thể hiện hồ sơ, bản đồ quy hoạch sử dụng đất đảm bảo quy hoạch đủ các quỹ đất cho các dự án quan trọng, các quỹ đất công phục vụ cộng đồng, các quỹ đất cho các công trình HTXH và HTKT đầu mối, các hành lang kỹ thuật quan trọng. Các quỹ đất còn lại sẽ do các quy hoạch cấp dưới xác định hoặc linh hoạt theo từng giai đoạn cụ thể.
Xem xét quy định về hồ sơ hạ tầng kỹ thuật đảm bảo nguyên tắc tập trung cho việc xác định khung giao thông cứng cho đô thị. Các công trình HTKT khác chỉ xác định quy mô đất đai các công trình đầu mối hoặc các tuyến truyền dẫn chính. Việc còn lại do các dự án hoặc quy hoạch cấp dưới xác định.
Xem xét bỏ các quy định về hồ sơ quy hoạch chiếu sáng ở cấp QHC, xem xét lại các nội dung về quy hoạch thông tin liên lạc.
Xem xét và sửa các quy định về hồ sơ và ký hiệu bản vẽ để đảm bảo tránh quá cứng nhắc trong việc lập hồ sơ và quản lý đô thị sau quy hoạch.
Sửa đổi nội dung liên quan đến tham vấn cộng đồng
Trong thời gian qua việc tham vấn (lấy ý kiến cộng đồng) chưa hiệu quả, còn có biểu hiện hình thức. Cụ thể việc họp người dân 1 ngày góp ý cho một đồ án quy hoạch chung cả một thành phố khi đồ án đã hoàn thành gần xong là không đem lại hiệu quả thiết thực. Hay trường hợp khác là một khu đô thị mới, khu công nghiệp không hề có dân bên trong thì người dân xung quanh lại góp ý cho đồ án quy hoạch là không chính xác. Nhiệm vụ đồ án chưa có nhiều nội dung nhưng cần lấy ý kiến cộng đồng gây kéo dài thời gian quy trình lập quy hoạch...
Do vậy nội dung Luật sửa đổi cần làm rõ các vấn đề về tham vấn cộng đồng bao gồm: đối tượng và các mức độ, nội dung, quy trình tham vấn, hình thức tham vấn, sử dụng kết quả tham vấn.
Sửa đổi nội dung về điều chỉnh quy hoạch cục bộ
Bổ sung quy định không cho phép các điều chỉnh quy hoạch xâm phạm, làm tổn hại các khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt (các không gian tự nhiên, các khu vực bảo tồn cảnh quan, các khu vực tai biến thiên nhiên…) được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị trước đó
Bổ sung yêu cầu về điều chỉnh mở rộng ranh giới lập quy hoạch, phải lập báo cáo về xu thế và nhu cầu tăng trưởng dân số, đất đai của đô thị và dự báo tác động của môi trường, xã hội của việc điều chỉnh ranh giới đô thị hiện hữu.
Bổ sung quy định đánh giá tác động trước khi quyết định điều chỉnh cục bộ hoặc quy hoạch đối với các quỹ đất công cộng hoặc khu vực đang bị quá tải về hạ tầng.
Sửa đổi các vấn đề liên quan đến Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch
Với sự ra đời của Luật Kiến trúc, Quy chế quản lý kiến trúc quy hoạch thay thế việc xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch đô thị. Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch hiện là tài liệu phải có gắn với từng đồ án, tuy nhiên chưa có quy định nào về tính ràng buộc pháp lý của nội dung này. Các quy định quản lý nhiều khi không được ban hành, cơ quan quản lý sử dụng một phần hồ sơ quy hoạch để phục vụ công tác quản lý.
Đề xuất mỗi đô thị trong quá trình triển khai lập quy hoạch có thể hình thành một hệ thống các hồ sơ quy hoạch, đây là bộ tài liệu mang tính khoa học đề xác định các định hướng, giải pháp để xây dựng và phát triển đô thị. Trên cơ sở những tài liệu khoa học này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng lên 01 tài liệu có thể coi như là Bộ luật về công tác quản lý quy hoạch và phát triển cho riêng đô thị đó. Mỗi đô thị chỉ cần có duy nhất 1 bộ luật này tại cùng một thời điểm. Cùng với việc điều chỉnh quy hoạch, xây dựng các quy hoạch mới, bộ luật này cũng sẽ được điều chỉnh bổ sung.
Hội đồng thẩm định và công tác thẩm định
Hội đồng thẩm định được đề cập tại Điều 42 Luật Quy hoạch đô thị. Do Luật không quy định kỹ chức năng, nhiệm vụ và tính pháp lý của Hội đồng thẩm định cho nên tùy theo từng trường hợp, địa phương quy định chức năng, nhiệm vụ, tính pháp lý phù hợp với yêu cầu thực tế ở địa phương.
Đề xuất để đảm bảo tính khách quan, tính pháp lý của Hội đồng thẩm định, Luật cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, tính pháp lý của Hội đồng thẩm định. Đồng thời đối với các quy hoạch quan trọng do Thủ tướng chính phủ phê duyệt có thể xem xét thêm quy trình thẩm tra hồ sơ quy hoạch nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan có trách nhiệm thẩm định.
Hệ thống văn bản pháp luật trong công tác quy hoạch xây dựng đã tạo ra khung pháp lý đầy đủ cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên cả nước. Tuy nhiên thực tiễn nhiều năm áp dụng thực hiện và đặc biệt là những thay đổi từ khi Luật Quy hoạch ra đời, đã đặt ra các yêu cầu cần đổi mới và hoàn thiện lại hệ thống này cả về khối lượng (bổ sung các luật, văn bản hướng dẫn mới) và về chất lượng (đổi mới, hoàn thiện nội dung các luật và văn bản) nhằm mục tiêu cuối cùng nâng tầm hiệu quả của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, đáp ứng các yêu cầu trong bối cảnh phát triển mới của quốc gia và địa phương.