Ngày đăng 18/08/2021 | 12:00 AM

Tìm giải pháp xây dựng nhà ở công nhân tại các Khu công nghiệp và Khu chế xuất

Lượt xem: 514  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Cả nước hiện có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha (trong đó đã hoàn thành 116 dự án với diện tích đất hơn 250ha và đang tiếp tục triển khai 98 dự án). Đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đến nay trên địa bàn cả nước, số lượng mới đủ bố trí cho hơn 330.000 người lao động, đáp ứng khoảng 39% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020

Ngày 17/8/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị về một số nội dung liên quan đến việc xây dựng nhà ở công nhân tại các Khu công nghiệp và Khu chế xuất. Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì Hội nghị.

 


Đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai mạc Hội nghị.

 

Tham dự Hội nghị về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có các đồng chí Phó Chủ tịch: Trần Văn Thuật, Ngọ Duy Hiểu và các Ban liên quan… Về phía Bộ Xây dựng có đồng chí Nguyễn Văn Sinh, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Nguyễn Thị Thủy Lệ, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam , Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Vấn đề nhà ở xã hội nhất là công nhân lao động nhập cư tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế đang là những vấn đề rất bức xúc từ nhiều năm qua. Mặc dù Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở dành cho người lao động song trên thực tế, kết quả triển khai thực hiện vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu của người lao động. Đặc biệt là trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp vấn đề này càng trở nên nóng bỏng, nếu không có cách nhìn nhận, những giải pháp thì có thể kéo theo nhiều hệ luỵ không tốt về an ninh chính trị, phát triển kinh tế, xây dựng giai cấp công nhân… Đây cũng là vấn đề được nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 02 về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới". Trong quá trình triển khai từ những năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận thấy vẫn còn những khó khăn vướng mắc nên mong muốn thông qua Hội nghị giữa 2 đơn vị ngày hôm nay sẽ thảo luận để tháo gỡ.

 


Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại Hội nghị.

 

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận và đề ra các giải pháp cơ bản giải quyết những khó khăn vướng mắc xuất phát từ thực tiễn liên quan đến xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tại Khu công nghiệp, Khu chế xuất, xây dựng Thiết chế Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó trọng tâm là những vướng mắc cơ chế chính sách về trình tự, thủ tục cho thuê nhà, xã hội; chủ đầu tư nhà ở xã hội; nguồn vốn đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; triển khai đề án; hình thành 01 gói nhà ở cho công nhân…

 


Quang cảnh Hội nghị.

 

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu: “Trong những năm qua Bộ Xây dựng đã xác định rõ việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các Khu công nghiệp, Khu chế xuất là rất quan trọng. Do đó, các đơn vị trong Bộ đã tập trung quan tâm, xác định được kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để tập trung xây dựng các thiết chế công đoàn, xây dựng nhà ở cho công nhân lao động. Bộ trưởng đã giao các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các quy định hiện hành để tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại cũng như sẽ thống nhất điều chỉnh đồng bộ vào các Luật trong thời gian tới và hình thành cơ chế phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.”

Mai Sơn/baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 514  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207