Khu Nhà công vụ Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội có 2 tòa nhà với 80 căn hộ, được đưa vào sử dụng từ năm 1999 (Nguồn: Internet).
Trong thời gian qua, các loại hình nhà ở công vụ, diện tích sử dụng nhà ở công vụ và các nội dung có liên quan được thực hiện theo Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Quyết định số 27) về tiêu chuẩn nhà ở công vụ. Bộ Xây dựng đã tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và khảo sát thực tế việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ trên cả nước đã cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Những hạn chế và nguyên nhân
Theo Bộ Xây dựng, trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy một số tiêu chuẩn về nhà ở công vụ được quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tế, xuất hiện những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cụ thể:
Một số đối tượng cán bộ, công chức, viên chức được điều động luân chuyển công tác có nhu cầu thuê nhà ở công vụ, nhưng không thuộc đối tượng được thuê theo tiêu chuẩn nhà ở công vụ quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Quyết định số 27. Mặt khác, một số cán bộ công chức đang thuê nhà ở công vụ trước đây đến nay theo quy định mới không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở công vụ sẽ gặp khó khăn về nhà ở, cơ quan quản lý nhà ở công vụ cũng lúng túng trong việc tiếp tục bố trí cho thuê đối với các đối tượng này.
Tiêu chuẩn đang thực hiện thiếu một số loại hình nhà ở công vụ (nhà liền kề, nhà ở tập thể) để đáp ứng nhu cầu và điều kiện thực tế của các địa phương. Việc trang bị nội thất cơ bản nhà ở công vụ của các địa phương chưa đảm bảo theo quy định của Quyết định số 27 do thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị nội thất điều kiện kinh tế, xã hội còn khó khăn.
Theo Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu trên, có thể nhận định theo hướng khách quan và chủ quan, bao gồm:
Về nguyên nhân khách quan có thể thấy, theo quy định của pháp luật về nhà ở, cán bộ được điều động, luân chuyển đến công tác tại các cơ quan Trung ương (có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 1,3) và cán bộ được điều động, luân chuyển đến công tác tại địa phương có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,9 thì không thuộc đối tượng được thuê theo tiêu chuẩn nhà ở công vụ quy định tại Quyết định số 27, trong khi nhu cầu thực tế của những cán bộ này chiếm số lượng không nhỏ.
Mặt khác, Ban chấp hành Trung Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó sẽ không quy định phụ cấp chức vụ lãnh đạo như trong Quyết định số 27, vì vậy, việc quy định tiêu chuẩn nhà ở công vụ theo phụ cấp chức vụ cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Về nguyên nhân, yếu tố chủ quan thì, sau hơn 05 năm triển khai Luật Nhà ở, các văn bản hướng dẫn thi hành đặc biệt là Quyết định số 27 và qua tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương thì một số tiêu chuẩn về nhà ở công vụ (loại hình và diện tích sử dụng nhà ở công vụ) được quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, việc bố trí vốn ngân sách Nhà nước cho đầu tư xây dựng nhà ở công vụ và trang bị nội thất cơ bản tại các địa phương còn nhiều khó khăn và hạn chế.
Việc thay thế tiêu chuẩn nhà ở công vụ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về áp dụng tiêu chuẩn nhà ở công vụ trong quá trình đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý sử dụng nhà ở công vụ (Nguồn: Internet).
Cần thiết phải thay đổi
Theo Bộ Xây dựng, quá trình tổng hợp báo cáo của 23/41 Bộ, ngành, 54/63 địa phương và khảo sát thực tế về quản lý, sử dụng nhà ở công vụ, một số loại hình về nhà ở công vụ tại khu vực đô thị và nông thôn chưa phù hợp với điều kiện thực tế, cần được sửa đổi, bổ sung. Một số cơ quan Trung ương và địa phương có ý kiến cần điều chỉnh mức kinh phí trang bị nội thất cơ bản cho nhà ở công vụ được quy định tại Quyết định số 27.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều ý kiến chỉ đạo cấp bách về vấn đề nhà ở công vụ trong thời gian quan. Có thể kể đến Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trong đó sẽ không quy định phụ cấp chức vụ lãnh đạo, vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn nhà ở công vụ thay thế Quyết định số 27. Mặt khác, tại văn bản số 8940/VPCP-CN ngày 27/10/2020 của Văn phòng Chính phủ, trong đó Phó Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế quy định trên.
Như vậy, việc thay thế Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg về tiêu chuẩn nhà ở công vụ là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về áp dụng tiêu chuẩn nhà ở công vụ trong quá trình đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý sử dụng nhà ở công vụ trong thời gian tới.
Đại diện Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh, những nội dung quy định mới phải được xây dựng đảm bảo các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật có liên quan, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Bộ, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi hơn so với các quy định hiện hành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về tiêu chuẩn nhà ở công vụ trong đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng nhà ở công vụ./.
Số liệu tổng hợp kết quả thực hiện Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg (tính đến ngày 30/6/2021):
Cả nước có 75.694 căn, nhà (phòng) với tổng diện tích là 2.827.548 m2. Trong đó có 50 căn biệt thự, tương ứng với 20.965 m2; 19.866 căn chung cư, tương ứng với 1.538.202 m2; 55.778 căn liền kề, tương ứng với 1.268.381m2. Cụ thể như sau:
- Đối với nhà ở công vụ của Bộ, ngành, cơ quan Trung ương: Tổng quỹ nhà ở công vụ của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương là 19.771 căn tương ứng với 1.561.454 m2 (bao gồm: 32 căn biệt thự, tương ứng với 16.110 m2; 18.015 căn chung cư, tương ứng với 1.431.655 m2; 1.724 căn nhà liền kề, tương ứng với 113.689 m2).
- Đối với nhà ở công vụ của các địa phương: Tổng quỹ nhà ở công vụ của các địa phương là 55.923 căn, tương ứng với 1.266.094 m2 (bao gồm: 18 căn biệt thự, tương ứng với 4.855 m2; 1.851 căn chung cư, tương ứng với 106.547 m2; 54.054 căn nhà liền kề, tương ứng với 1.154.692 m2).