Ngày đăng 23/06/2021 | 12:00 AM

Hội thảo trực tuyến Chuyển đổi sinh thái - xã hội ở các đô thị Việt Nam

Lượt xem: 776  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Chiều 22/6/2021 tại Hà Nội, Hội thảo chuyển đổi sinh thái – xã hội ở các đô thị Việt Nam đã diễn ra theo hình thức trực tuyến tại nhiều điểm cầu trong nước và quốc tế do Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) phối hợp với Tổ chức Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tổ chức.

Tham dự Hội thảo về phía AMC có TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc; TS. Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc cùng một số cán bộ có liên quan; về phía FES có bà Claudia Ehing – Giám đốc Dự án Khí hậu và năng lượng châu Á – FES văn phòng đại diện tại Việt Nam; đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, sở xây dựng một số tỉnh, các viện nghiên cứu, hiệp hội nghề nghiệp, trường đại học và một số tổ chức quốc tế.

 

 

Quang cảnh Hội thảo tại điểm cầu trực tuyến AMC

 

Việt Nam là một trong các nước có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Các đô thị ở Việt Nam đóng góp khoảng 70% tổng GDP, là động lực cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2020, tổng số đô thị cả nước là 859 đô thị, tăng thêm 57 đô thị so với năm 2016 là 802 đô thị, trong đó tăng thêm 05 đô thị loại I, 06 đô thị loại II, 05 đô thị loại III, 05 đô thị loại IV và 36 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 39,3%. Tỷ lệ dân đô thị được cung cấp nước sạch tăng từ 76% (năm 2010) lên 86%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt 87,5%. Chất lượng nhiều đô thị được nâng cao nhanh chóng, kể cả nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội. Nhiều đô thị đã và đang khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, đang trở thành những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đầu mối giao thương lớn của vùng và quốc gia.

Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nghiêm trọng nhất trong vài thập niên tới. Mực nước biển dâng, bão lớn, lũ lụt, xói nở… đặc biệt tại các vùng ven biển. BĐKH là yếu tố đe dọa chính đối với hạ tầng đô thị và chất lượng cuộc sống. Các thành phố tại khu vực ven biển dễ bị tổn thương bởi thiên tai, bão lụt và nước biển dâng, làm tăng rủi ro đối với tài sản, sinh kế và hạ tầng đô thị. Mặt khác, nếu đô thị hóa không có kế hoạch tăng trưởng dẫn đến gây thiệt hại lan rộng đến hệ sinh thái hiện tại, nạn phá rừng và mất đất nông nghiệp, ảnh hưởng lớn đến khí hậu và môi trường.

Trong bối cảnh đó, sự chuyển đổi sinh thái xã hội ở các thành phố phải thúc đẩy phát triển đô thị thân thiện với khí hậu, ít phát thải, khuyến khích sự tham gia chính trị của người dân và không làm mất quyền sống của các nhóm dân cư nghèo hơn và bị thiệt thòi về mặt xã hội trong thành phố được tiếp cận với nước sạch, nhà ở giá rẻ, giao thông sạch sẽ và không gian công cộng xanh. Không có thành phố nào là bền vững nếu không có các dịch vụ hệ sinh thái, cảnh quan. Hoặc nói cách khác, khu vực đô thị có thể tăng khả năng bền vững nếu thiết kế, quy hoạch và quản lý hợp lý. Để đạt được mục tiêu này, việc sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu tác động của các yếu tố bên ngoài, phát huy tối đa khả năng tái sinh bên trong, cân bằng giữa các dịch vụ hệ sinh thái khác nhau là rất quan trọng. 

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc AMC cho biết, nhằm xây dựng tầm nhìn về một đô thị sinh thái - xã hội, Dự án về Khí hậu và Năng lượng ở Châu Á thuộc tổ chức Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) đã hợp tác với các chuyên gia nghiên cứu từ Viện Môi trường Stockholm (SEI) thực hiện nghiên cứu khu vực về “Chuyển đổi sinh thái - xã hội ở các đô thị Châu Á”. Dựa trên kết quả nghiên cứu, FES phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) tiến hành nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về các khía cạnh chính của chuyển đổi sinh thái -xã hội ở các đô thị Việt Nam như: Nhà ở, giao thông đô thị, kinh tế tuần hoàn,… tất cả các yếu tố tạo nên một đô thị phát triển bền vững về sinh thái và xã hội.

Theo TS. Trần Hữu Hà, Hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, các cơ quan nghiên cứu về quản lý phát triển đô thị đến quá trình đô thị hóa ở nước ta, hướng tới đề xuất những giải pháp khả thi, phù hợp nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ở khu vực đô thị, duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng tỷ lệ cây xanh, không gian xanh, mặt nước, công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Hội thảo, Bà Claudia Ehing cho biết, kể từ năm 2020, FES đã bắt đầu triển khai công tác nghiên cứu về chuyển đổi sinh thái xã hội tại một số nước châu Á và Việt Nam là một trong những nước mà FES nhắm tới. Đây là một chủ đề khá mới mẻ và cũng vô cùng quan trọng đối với tiến trình đạt được các mục tiêu của phát triển bền vững, đặc biệt là mục tiêu số 11. Thông qua Hội thảo, FES kỳ vọng sẽ nhận được những ý kiến, những quan điểm đa chiều để làm căn cứ cho FES triển khai các nghiên cứu sâu hơn, phục vụ cho quá trình phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam.

Hội thảo diễn ra gồm 02 phần chính: Phần giới thiệu tóm tắt các kết quả nghiên cứu ban đầu về chuyển đổi sinh thái xã hội trong đô thị ở Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực quy hoạch, giao thông và nhà ở xã hội. Bên cạnh đó là Phần thảo luận nhóm để các bên tham gia bày tỏ quan điểm cũng mình về vấn đề này.

Cũng tại Hội thảo, sau khi nghe ý kiến tham vấn của các đại biểu, TS. Lưu Đức Minh cho rằng yếu tố quan trọng để góp phần cho sự thành công của quá trình chuyển đổi sinh thái xã hội ở Việt Nam nói chung và trong đô thị Việt Nam nói riêng chính là công tác đào tạo, nâng cao năng lực nhận thức về vấn đề này cho tất cả các bên tham gia vào phát triển đô thị.

AMC
Lượt xem: 776  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207