Ngày đăng 18/06/2021 | 12:00 AM

Xây dựng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và tính tiên phong

Lượt xem: 499  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần có các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đô thị theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo...

 


Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chủ trì Phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

 

Ngày 17/6, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã chủ trì Hội nghị với Thường trực Tổ Biên tập Đề án. Đây là Đề án quan trọng, đang trong quá trình soạn thảo để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đô thị hóa gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của đô thị hóa, phát triển đô thị, kinh tế đô thị, Đảng ta luôn quan tâm và đã có những chủ trương, chính sách lớn nêu trong các văn kiện Đại hội, nhất là từ Đại hội VI đến nay.

Tư duy và nhận thức của Đảng ta về vấn đề này liên tục được đổi mới và kế thừa hợp lý, qua đó đã bước đầu hình thành hệ thống các chủ trương, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển.

Tuy nhiên, cho đến nay, Đảng ta chưa có Nghị quyết chuyên đề có tính tổng thể, toàn diện về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 45%, đến năm 2030 đạt khoảng 50%.

Báo cáo chính trị của Đại hội xác định các nhiệm vụ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn...

Để thực hiện được mục tiêu, triển khai các chủ trương về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương thực hiện Đề án “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.”

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh được phân công là Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án theo Quyết định số 03-QĐ/TW ngày 5/4/2021 của Ban Bí thư.

Trên cơ sở những tài liệu, số liệu và báo cáo chuyên đề, Tổ Biên tập Đề án đã hoàn thiện xây dựng Dự thảo lần 2, Tờ trình và Nghị quyết; đã gửi tới các thành viên Ban Chỉ đạo thuộc các bộ, ngành, các chuyên gia để xin ý kiến.

Qua nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ đô thị hóa cả nước xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng nhanh từ 30,5% năm 2010 lên khoảng 40% năm 2020; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 


Đại biểu phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

 

Một số cực tăng trưởng chủ đạo tại các đô thị lớn được hình thành, nhất là tại hai đô thị loại đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại...

Tuy nhiên, đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị vẫn còn nhiều hạn chế như đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp so với mức trung bình của các nước trong khu vực ASEAN và bình quân của thế giới.

Quá trình đô thị hóa phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán, gây lãng phí về đất đai, hạn chế tích tụ kinh tế.

Hệ thống hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị, tính liên kết còn yếu, chưa bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn ngày càng gia tăng và diễn biến nghiêm trọng...

Phát biểu chỉ đạo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả đã thực hiện của Tổ Biên tập, đồng thời quán triệt các nội dung Đề án cần tiếp tục hoàn thiện.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh lưu ý Đề án cần bám sát các chủ trương, định hướng lớn về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nêu trong các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII và tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.

Đề án cần tập trung làm rõ yêu cầu đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị, đề xuất được các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý, xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.

Về phát triển đô thị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần có các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đô thị theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển; tăng tính kết nối giữa các đô thị trong nước và khu vực; gắn kết phát triển đô thị và nông thôn.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các thành viên Tổ Biên tập cần tiếp tục hoàn thiện Đề án, chủ động tiếp thu ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện Đề án bảo đảm chất lượng và tiến độ, dự kiến trình Bộ Chính trị vào cuối tháng 7/2021.

Trên cơ sở đó sẽ đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề về “Một số chủ trương, chính sách về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”./.

Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)
Lượt xem: 499  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207