Quy chuẩn mới không quy định thay cho quy hoạch và muốn quản lý đô thị phải lập quy hoạch chứ không căn cứ vào Quy chuẩn.
Ban hành Quy chuẩn mới sau 10 năm vận dụng
Ngày 14/12/1996, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn Xây dựng tập I phần quy định chung và Quy hoạch xây dựng QCXDVN:1996; Ngày 10/9/2009, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về quy hoạch xây dựng QCXDVN 01:2008; là những quy chuẩn tốt, phục vụ đắc lực cho công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.
Ngày 31/12/2019, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCVN 01:2019/BXD sau 10 năm vận dụng QCXDVN 01:2008.
Thực tiễn cho thấy, qua quá trình ban hành nhiều năm, việc chỉnh sửa và ban hành các Quy chuẩn mới thay thế, phù hợp hơn với bối cảnh thực tiễn và các văn bản pháp quy mới là điều tất yếu nhằm cấu trúc lại nội dung cho phù hợp với thực tiễn và tạo sự đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan như: Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn; Các Tiêu chuẩn, quy chuẩn khác của Bộ Xây dựng ban hành, cùng nhiều văn bản pháp luật liên quan.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng - Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP), Quy chuẩn mới đã thay đổi nhằm đồng bộ với các Quy chuẩn khác. Quy chuẩn QCVN 01:2019/BXD đã ghép Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCXDVN 01:2008 với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn QCVN 14:2009/BXD; Quy chuẩn mới cũng đồng thời phân tách các nội dung trùng lặp, chưa thống nhất giữa Quy chuẩn về quy hoạch với các Quy chuẩn khác về hạ tầng kỹ thuật, phòng cháy chữa cháy.
Ông Nguyễn Thanh Hưng nhấn mạnh, điều này rất quan trọng, vì trong cùng một nội dung quản lý nhà nước, việc có 2 văn bản cùng hướng dẫn một nội dung nếu có sự không đồng nhất sẽ gây khó cho việc áp dụng.
Ví dụ, cùng về hệ thống giao thông có các quy định kỹ thuật khác nhau giữa QCXDVN 01:2008 và QCVN 07:2016/BXD... gây nhiều khó khăn, tranh cãi trong áp dụng.
Công cụ quản lý sử dụng đất hiệu quả
Quy chuẩn mới đưa ra các khái niệm về ranh giới phát triển đô thị, các quy định về hạn mức đất dân dụng ứng với từng loại đô thị nhằm phù hợp với thực tiễn mật độ cư trú và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Hưng cho biết, công tác quy hoạch đô thị cần lường trước những tác động về mật độ cư trú, tốc độ đô thị hóa... để có các định hướng phù hợp. Nói cách khác, Quy chuẩn mới là công cụ tạo ranh giới phát triển đô thị để giám sát đô thị phát triển theo các vùng có kiểm soát, dành đất để cho các hoạt động kinh tế, sinh thái; là công cụ xây dựng hạn mức đất đai để khi quy hoạch có những tính toán phù hợp, tránh tình trạng vẽ đô thị quá to nhưng chưa biết đến bao giờ đầu tư, các khu dân cư mật độ quá cao tiềm ẩn các nguy cơ về môi trường hay tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng đô thị. Đây cũng chính là bước đầu của việc quản lý khai thác và sử dụng đất đai có hiệu quả.
Điều chỉnh lại một số chỉ tiêu về hạn mức sử dụng đất trong đơn vị ở theo hướng tăng hạn mức đất tối thiểu lên 15 m2/người so với hạn mức tối thiểu của đất cho đơn vị ở là 8 m2/người; Một số hạn mức sử dụng đất của công trình giáo dục được thay đổi đảm bảo phù hợp với các quy định của ngành Giáo dục và đào tạo.
Đưa ra các quy định mới về quy hoạch trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao với quan điểm quy định kiểm soát về môi trường, an toàn cháy nổ và đảm bảo vận hành sản xuất mới là tiêu chí quan trọng, các nội dung khác không liên quan thì hủy bỏ.
Đưa ra các yêu cầu mới về tăng cường tính an toàn và khả năng hoạt động của hệ thống PCCC trong đô thị. Nêu rõ đối với các đô thị không đảm bảo khoảng cách, bán kính của các đội cảnh sát PCCC thì phải đưa vào quy hoạch, bổ sung các đội PCCC trong các dự án đô thị mới nhằm đảm bảo xử lý nhanh chóng khi xảy ra sự cố cháy nổ.
Lập quy hoạch để quản lý đô thị
Quy chuẩn mới cũng giao quyền tự quyết cho công tác quy hoạch. Quy chuẩn mới không quy định thay cho quy hoạch và muốn quản lý đô thị phải lập quy hoạch chứ không căn cứ vào quy chuẩn. Chính vì vậy, các quy định quá chi tiết về kiến trúc, cảnh quan, chi tiết kiến trúc, quan hệ với các công trình trong QCXDVN 01:2008 được hủy bỏ.
Khoảng cách giữa các công trình trong đô thị hiện hữu do quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị quyết định. Quy chuẩn mới nêu rõ đó là việc của quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị miễn sao phải đáp ứng các nguyên tắc quy định về môi trường, an toàn cháy nổ, các hoạt động chung của đô thị.
Phân định các đối tượng để quy định: có những khu vực rất đặc thù, không nhất thiết tuân thủ 100% quy chuẩn, ví dụ như khu phố cổ đã là di sản hay quần thể di tích kiến trúc của đô thị, các khu hiện có ổn định, thì chỉ cải tạo, chỉnh trang; có các khu vực tuân thủ một phần với các điều kiện được nới lỏng; có các khu vực phải tuân thủ hoàn toàn các quy định trong quy chuẩn, áp dụng với khu mới như các dự án có quy mô lớn; trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc, quy định về môi trường, an toàn tính mạng và tiện nghi cho con người.
Khôi phục lại hệ số sử dụng đất, đưa ra giới hạn hệ số sử dụng đất nhằm đảm bảo khả năng phục vụ của hệ thống hạ tầng đô thị. Đây là một nội dung quan trọng khắc phục nhiều khoảng trống trong quản lý, nhất là quản lý các dự án tái thiết trong các khu đô thị hiện hữu.
Kỳ vọng, với những nội dung quy định mới trong QCVN 01:2019/BXD và QCVN 01:2021/BXD khắc phục được nhiều tồn tại của hệ thống các Quy chuẩn ban hành trước đây và giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn phát sinh hiện nay.
Theo ông Nguyễn Thành Hưng thì còn rất nhiều không gian cần quy hoạch nhưng chưa có các quy định cụ thể trong Quy chuẩn như: những khu công nghiệp thế hệ mới, các khu kinh tế, khu du lịch... vì chưa có sơ sở dữ liệu cơ bản. Trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã giao VIUP thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học với kết quả dự kiến sẽ là cơ sở dữ liệu đầu vào cho việc xây dựng các nội dung cho hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực quy hoạch và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới