Thống kê về tình hình thị trường thép tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 cho thấy, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép tăng khá, lượng thép xuất khẩu đã tăng kỷ lục trong 4 tháng, nhưng về tổng thể, ngành thép vẫn đang nhập siêu hơn 1 tỷ USD.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép xuất khẩu đạt 3,822 triệu tấn, trị giá 2,67 tỷ USD, tăng lần lượt 47% và 87,9% so với cùng kỳ. Thời gian qua, giá thép trong nước đã tăng phi mã 40 - 45% so với quý IV/2020.
Cơn sốt nóng của giá thép bắt nguồn từ giá nguyên liệu đầu vào của mặt hàng này không ngừng tăng. Trong khi ngành thép Việt Nam phụ thuộc phần lớn từ nguồn nhập khẩu với nguyên liệu sản xuất đầu vào, như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite... năm trước. Cùng đó, xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép cũng tăng 20,9%, đạt 1,216 tỷ USD.
Trên thực tế, giá thép trong nước tăng đột biến xuất phát từ nguyên nhân chính là giá nguyên liệu đầu vào nhập khẩu như quặng sắt, thép tái chế... tăng đột biến hơn 100% so với cùng kỳ năm 2020.
VSA đánh giá, thị trường thép cuộn cán nóng (HRC) thế giới biến động, khiến thị trường trong nước tiếp tục khó khăn do doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép...) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất. Hiện tại, công suất HRC trong nước đạt khoảng từ 5 - 6 triệu tấn.
Tuy nhiên, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn, do vậy, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.
Dù xuất khẩu tăng, nhưng về tổng thể, ngành thép trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong năm 2020 đạt gần 5,26 tỷ USD, nhưng nhập siêu của ngành vẫn lên tới 4,6 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thép các loại gần 5,1 triệu tấn, trị giá 3,73 tỷ USD, tăng 14% về lượng và 36,5% về trị giá và đưa giá trị nhập siêu lên trên 1 tỷ USD.