Theo TS. Nguyễn Trung Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cố vấn cao cấp dự án Nâng cao hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam (EECB, do UNDP và GEF), về chính sách phát triển công trình xanh tại Việt Nam cần quan tâm 6 vấn đề.
1. Hoàn thiện các quy định cùa pháp luật
Mặc dù chưa có quy định của pháp luật, các hoạt động phát triển và chứng nhận công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đã thực hiện ở Việt Nam từ hơn 15 năm qua. Hơn 155 công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận theo các tiêu chí, tiêu chuẩn LEED (Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore), EDGE (IFC,WB), Lotus (VGBC).
Ngày 17/6/2020, Luật sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng đã được công bố. Theo đó, Điều 10, Khoản 4 đã nêu rõ "Nhà nước khuyến khích hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên và bảo đảm cắc yêu cầu bảo vệ môi trường". Căn cứ các tiêu chí, tiêu chuẩn của quốc tế đã được sử dụng phổ biến ở Việt Nam và Thế giới, có thế nói đây thực chất là công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng.
Do đó, vấn đề cần phải làm rõ về chính sách trong các Nghị định, Thông tư thi hành Luật Xây dựng là: (i) Giải thích rõ ràng thuật ngữ công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; (ii) Đề xuất các chính sách ưu đãi nhằm huy động các nguồn lực của xã hội tham gia phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Các chính sách khả thi nhất thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng là các ưu đãi về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc (mật độ, chiều cao, diện tích sàn...). Kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực cho thấy hiệu quả của việc thúc đẩy công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng thông qua các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, thưởng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc; (iii) Ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật đối với công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, làm cơ sở thúc đẩy phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng đối với các công trình được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước; (iv) Quan tâm đặc biệt đối với công trình xây dựng bằng ngân sách Nhà nước về hiệu quả sử dụng năng lượng. Kết quả khảo sát của dự án EECB (GEF, UNDP tài trợ Bộ Xây dựng) cho thấy năng lượng sử dụng trong các cơ quan công sở Nhà nước cao gấp 2 lần so với văn phòng làm việc cho thuê.
Tại Trung quốc, tất cả các công trình công sở Nhà nước phải là công trình được chứng nhận hiệu quả năng lượng. Tại Việt Nam, vấn đề này cần phải được áp dụng theo lộ trình khi đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo trụ sở cơ quan Nhà nước.
2. Phát triển hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy Bộ Xây dựng cần phải hoàn thiện và nâng cấp hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Hiện nay, chúng ta đã có QCVN 09:2017/BXD, các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Với sự hỗ trợ của dự án EECB, 11 tiêu chuẩn có liên quan đến vật liệu xây dựng, đánh giá hiệu quả năng lượng của tòa nhà đã được thiết lập. Tuy nhiên, cần phải sớm triển khai hàng loạt các tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan đến vật liệu, thiết kế lắp đặt trang thiết bị công trình, đánh giá hiệu quả năng lượng của vật liệu và thiết bị, hiệu quả năng lượng của tòa nhà. TS. Nguyễn Trung Hòa đã kiến nghị danh mục hơn 50 tiêu chuẩn quốc tế có thể chuyển dịch và áp dụng tại Việt Nam.
3. Thiết lập định mức năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng
Định mức năng lượng sử dụng trong các công trình xây dựng đã được quy định trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (2010). Tuy nhiên cho đến nay, với sự hỗ trợ của dự án EECB, đã khảo sát được 165 công trình và thiết lập định mức năng lượng cho các tòa nhà văn phòng, thương mại, dịch vụ, khách sạn trên 3 vùng của Việt Nam.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy định mức năng lượng là công cụ đắc lực để quản lý sử dụng năng lượng trong các công trình xây dựng. Vấn đề cần phải thực hiện là hoàn thiện định mức năng lượng, ban hành và áp dụng cho các công trình xây dựng trên cả nước. Đây là chỉ tiêu quản lý quan trọng trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành công trình.
4. Hình thành hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn chứng nhận công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng
Một trong những chính sách quan trọng để thúc đẩy hoạt động đầu tư, chứng nhận công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng là Nhà nước có hướng dẫn thống nhất về tiêu chí, tiêu chuẩn cho các loại công trình này.
Kinh nghiệm các nước cho thấy, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, chứng nhận công trình xanh do các tổ chức khoa học, nghề nghiệp kiến trúc và xây dựng thiết lập và được Nhà nước thừa nhận. Ví dụ như LEED do Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ thiết lập, GIB do Hiệp hội Kỹ sư tư vấn Malaysia thiết lập… Do đó, Bộ Xây dựng cần đưa ra các khung tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của Thế giới, phản ánh nội dung tại Điều 10, Khoản 4 của Luật Xây dựng, đồng thời để các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc khoa học thiết lập tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh hoặc thừa nhận các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế dựa trên khung tiêu chí, tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng hướng dẫn.
Đối với công trình hiệu quả năng lượng, chúng ta đã có TCVN ISO 52000, TCVN 52003 với các nội dung về quy trình, phương pháp đánh giá, phân hạng và chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng. Do đó Bộ Xây dựng cần tổ chức và hướng dẫn hoạt động đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng theo yêu cầu của các tiêu chuẩn này.
5. Xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển
Một trong những chính sách không thể thiếu của các nước trên Thế giới và khu vực là Nhà nước tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển nhằm phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng. Các chương trình phổ biến và hiệu quả của các nước trong khu vực là: phát triển công nghệ sạch, hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực xây dựng (Malaysia; chương trình dán nhãn cho sản phẩm vật liệu xây dựng có cách nhiệt, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng (hầu hết các nước trên Thế giới); chương trình cải tạo các trụ sở, cơ quan Nhà nước (Trung Quốc, Singapore…). Từ đó, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các chương trình phát triển phù hợp.
6. Tuyên truyền, đào tạo và tập huấn nâng cao nhận thức năng lực
Giải pháp tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực đã được Bộ Xây dựng thực hiện thông qua các dự án ODA về tiết kiệm năng lượng và môi trường. Tuy nhiên, đây là công việc thường xuyên, cần phải có kế hoạch cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn. Các nội dung cần hoàn thiện bao gồm: phổ biến áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng trong hoạt động xây dựng; cập nhật và hoàn thiện các tài liệu đào tạo về tiết kiệm năng lượng; xây dựng các công trình mẫu phục vụ đào tạo… Đối tượng đào tạo bao gồm các cán bộ quản lý Nhà nước về xây dựng tại các địa phương, các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình, các kỹ sư, kiến trúc sư tư vấn lập dự án, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành công trình.