Trước thực trạng nguồn nguyên liệu cát tự nhiên đang ngày cạn kiệt, giá thành nâng cao dẫn tới những hệ lụy về việc khai thác cát trái phép trên các dòng sông… thì nguồn cát nghiền từ nguyên liệu đá đang là sự lựa chọn mới với nhiều tính ưu việt.
Đá được khai thác từ mỏ của công ty, sau khi xay, nghiền thành đá 1-2
Từ tính ưu việt của loại vật liệu xây dựng mới
Được đưa vào sản xuất thử nghiệm từ tháng 5/2018, đến nay, nguồn cát nghiền từ đá đã đang phát huy những tính ưu việt cũng như sức hút với thị trường xây dựng.
Ông Mai Thế Tình - Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phú Sơn (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Với nguồn nguyên liệu dồi dào từ các mỏ đá vôi trên địa bàn tỉnh nói riêng, cùng công nghệ xay nghiền, xử lý tạp chất hiện đại trước khi đưa thành phẩm ra thị trường; độ bền của các công trình cũng được đánh giá cao hơn so với cát tự nhiên đang là những ưu việt mà nguồn vật liệu xây dựng mới này cho thấy”.
Là doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), lâu nay nguồn cung cấp cát tự nhiên cho các công trình xây dựng của doanh nghiệp cũng như thị trường huyện gặp rất nhiều khó khăn khi trữ lượng cát trên địa bàn chủ yếu là cát nhiễm mặn chỉ có thể san lấp, nên hạn chế lớn trong các công trình xây dựng, để đáp ứng nhu cầu, nguồn cát xây dựng phải mua nhập từ các huyện khác như: Thiệu Hóa, Hà Trung, Vĩnh Lộc… Chi phí vận chuyển lớn dẫn tới giá thành nâng cao khiến cho việc đầu tư xây dựng gặp không ít khó khăn.
Ông Tình cho biết thêm: Cuối năm 2017, sau khi khảo nghiệm thực tế từ một số thị trường miền Nam, cũng như nước ngoài, Công ty đã áp dụng, sáng chế đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền từ đá với chi phí chỉ bằng 20% (khoảng 20 tỷ đồng) so với những dây chuyền nhập khẩu từ nước ngoài. Sản phẩm cát nghiền sẽ góp phần giúp cho doanh nghiệp tạo ra một quy trình sản xuất khép kín. Đá được khai thác từ mỏ của Công ty sau khi xay, nghiền thành phẩm (đá 1-2), sẽ tiến hành sàng lọc, phân loại đưa vào hệ thống máy nghiền, sàng lọc nhỏ thành cát. Bước tiếp theo cát nghiền sẽ được đưa vào hệ thống các bể lắng rửa, xử lý tạp chất trước khi thành phẩm bán ra thị trường.
Để đảm bảo môi trường, trong quá trình sản xuất, xay nghiền đều có hệ thống phun sương giảm bụi. Quy trình đưa vào bể lắng, rửa, bụi đá cũng sẽ được lắng lọc đưa lên tái sử dụng làm gạch… Như vậy, sản xuất cát nghiền sẽ rất phù hợp với những doanh nghiệp khai thác mỏ đá, tăng thêm sự lựa chọn đầu tư cho các doanh nghiệp.
Ông Mai Văn Nguyên - Cán bộ điều hành sản xuất Công ty TNHH thương mại Phú Sơn cho biết: Với sản lượng 500m3/ngày, đơn vị đang cung cấp cho toàn bộ các dự án, công trình trên xây dựng địa bàn huyện Nga Sơn. Bên cạnh tính ưu việt của sản phẩm thì với quy trình tự động hóa, chỉ cần 2 công nhân để điều hành dây chuyền đang góp phần giảm chi phí nhân công, giảm sức lao động của con người, hạ giá thành sản phẩm.
Trong khi đó, theo đánh giá của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nga Sơn cho thấy, vật liệu từ cát nghiền đang là sự lựa chọn số 1 trong nhiều hạng mục, công trình xây dựng lớn cũng như nhu cầu xây dựng nhỏ lẻ trong nhân dân. Ngoài độ bền của công trình thì vật liệu cát nghiền còn giúp các doanh nghiệp, người dân giảm chi phí chung chuyển, giá thành…
Cơ hội mở cho các doanh nghiệp
Ông Lưu Văn Hải - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nga Sơn cho biết: Với đặc thù của huyện giáp biển, trữ lượng cát đa phần nhiễm mặn thì việc đưa vào sản xuất cát nghiền trên địa bàn đang góp phần giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp trong đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng khuyến khích việc sử dụng cát nghiền trong các công trình xây dựng nên nguồn vật liệu xây dựng này hiện đang được phổ biến và ưa chuộng. “Một trong những dự án điển hình sử dụng cát nghiền như: Dự án kiên cố hóa kênh Hưng Long, qua địa bàn thị trấn Nga Sơn, Thanh Hóa đã được đưa vào sử dụng và độ bền đã chứng mình theo thời gian”, ông Hải dẫn chứng.
Tiến hành phân loại đưa vào hệ thống máy nghiền, sàng lọc nhỏ thành cát.
Tuy nhiên, bên cạnh tính ưu việt trong sản xuất cũng như độ bền tại các công trình thì để phát triển nguồn vật liệu xây dựng này còn gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, theo ông Hải thì nguồn vật liệu mới này chưa được phổ biến, số lượng đơn vị đầu tư dây chuyền sản xuất chưa nhiều, dẫn tới sự cạnh tranh về giá thành sản phẩm chưa cao. Nếu sớm được phổ cập đầu tư xây dựng rộng rãi hơn thì nguồn vật liệu xây dựng mới này sẽ là nguồn vật liệu thay thế dần cho nguồn cát, sỏi tự nhiên.
Tìm hiểu từ phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Cường - Phó giám đốc Công ty TNHH Niên Cường (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) trao đổi: Hiện, nguồn vật liệu cát nghiền đã được một, hai đơn vị trên địa bàn thị xã đầu tư sản xuất. Về phía doanh nghiệp, cát nghiền góp phần tăng thêm sự lựa chọn đầu tư, tận dụng nguồn nguyên vật liệu trong quá trình khai thác mỏ... Tuy nhiên, ông Cường không khỏi băn khoăn khi sản phẩm này còn chưa được phổ biến, giá thành sản phẩm cao hơn hơn so với cát tự nhiên, dẫn tới những khó khăn, rào cản trong việc lựa chọn của các dự án, công trình.
Theo tìm hiểu, trên địa bàn tỉnh đã có 2 dây chuyền sản xuất cát nghiền công suất 150 tấn/giờ của Công ty TNHH thương mại Phú Sơn (huyện Nga Sơn) và Công ty TNHH xây dựng, thương mại Hà Liên (huyện Nông Cống). Ngoài ra còn một số dây chuyền sản xuất nhỏ lẻ như thị xã Nghi Sơn... Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 của tỉnh, sẽ phát triển cát nghiền từ đá tại nhiều khu vực mỏ có sẵn nguồn nguyên liệu để cung cấp cho thị trường, với tổng công suất dự kiến 1,9 triệu m3/ năm.
Đây được xem là cơ hội mở để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể đầu tư, phát triển.