Việc hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê sẽ làm phong phú hơn hàng hóa là nhà ở và tăng sự công khai, minh bạch cho phân khúc thị trường này trong thời gian tới (Ảnh: Internet).
Phát triển nhà ở xã hội chưa đạt so với kế hoạch
Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội để hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng gặp khó khăn, thu nhập thấp tại cả khu vực đô thị và nông thôn, trong đó có Luật Nhà ở 2014; Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (Nghị định 100) ngày 20/10/2015 và mới đây nhất là Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội với các quy định cụ thể về hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương đã và đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn về nhà ở; Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ Đồng bằng Sông Cửu Long; Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung.
Riêng đối với Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị: Đã hoàn thành 249 dự án với quy mô xây dựng 5.210.000 m2 sàn, đạt tỷ lệ 42% so với kế hoạch, đang tiếp tục triển khai 264 dự án với quy mô xây dựng khoảng 10.950.000m2 sàn nhà ở; Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân Khu công nghiệp đã hoàn thành 111 dự án với quy mô xây dựng 2.301.909 m2 sàn, đạt tỷ lệ 36% so với kế hoạch; đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 5.041.060m2 sàn nhà ở.
Việc triển khai Chương trình nhà ở xã hội của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đã góp phần cải thiện chỗ ở cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về nhà ở, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội.
Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội đến nay mới chỉ đạt khoảng 42% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 do nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là việc bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa mặn mà đầu tư các dự án nhà ở xã hội; thu nhập của người dân vẫn còn thấp và tâm lý của người dân vẫn chỉ muốn mua để có sở hữu, không muốn thuê nhà ở; một số cơ chế chính sách chưa phù hợp thực tế…
Chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030
Để công tác đầu tư, phát triển nhà ở xã hội đảm bảo mục tiêu đã đề ra, Bộ Xây dựng và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) xây dựng dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030”, nhằm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và khảo sát tình hình thực tế của Việt Nam, đề xuất cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình thực tế, xu hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.
Theo Quyết định số 848/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại, Dự án được xây dựng nhằm nâng cao quyền được có nhà ở của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân Khu công nghiệp thông qua cải thiện chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2030.
Mục tiêu đặc biệt quan trọng mà Dự án hướng tới là nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam để triển khai trong giai đoạn 2021 – 2030 theo chủ trương được nêu tại Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, đó là “Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, nhất là các đô thị lớn. Nâng cao chất lượng và quản lý tốt quy hoạch đô thị, bảo đảm phát triển bền vững, có chính sách xây dựng khu đô thị mới ven các đô thị lớn, khai thác hiệu quả hạ tầng và tiết kiệm đất. Khuyến khích phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân Khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.
Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bằng nhiều hình thức, nhất là hợp tác công – tư (PPP) phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Dự án được triển khai thực hiện với 5 hợp phần chính: Đánh giá thực trạng nhà ở xã hội của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân Khu công nghiệp; Tiến hành khảo sát và nghiên cứu về dự báo nhu cầu nhà ở cho các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân Khu công nghiệp trong giai đoạn 2021 – 2030; Xây dựng các chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam cho các nhóm đối tượng mục tiêu là các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân Khu công nghiệp thông qua các bài học từ kinh nghiệm quốc tế; Hoàn thiện Luật Nhà ở hiện hành nhằm thúc đẩy các chính sách nhà ở xã hội được đề xuất trong Dự án; Chương trình nâng cao năng lực.
Được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ tháng 11/2018 đến tháng 11/2021), đến nay, Dự án cơ bản đã hoàn thành khoảng 90% kế hoạch được phê duyệt.
Kết quả của Dự án sẽ là căn cứ để Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, bổ sung các cơ chế chính sách để thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng; Tập trung nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị, nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, nhà ở thương mại giá thấp…