Khảo sát của Báo điện tử Xây dựng cho thấy, giá bình quân thép xây dựng quý I/2021 dao động từ 15.000-16.000 đồng/kg, ghi nhận mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Điều này đã dẫn đến chỉ số giá xây dựng công trình tăng, kéo theo việc khó xử của hàng loạt hợp đồng xây dựng đã ký kết, hàng loạt các dự án đang chuẩn bị đấu thầu… Đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phải lên tiếng và có động thái để các nhà đầu tư, các nhà thầu xây dựng yên tâm triển khai công việc; đặc biệt đối với những dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Giá tăng giúp ngành Thép được lợi về giá, song các doanh nghiệp dùng thép là vật liệu sản xuất hay nhà thầu xây dựng lại rơi vào cảnh “đứng ngồi không yên”
Giá thép tăng kỷ lục
Theo báo giá công bố ngày 12/4 của các doanh nghiệp ngành Thép, giá thép xây dựng đang dao động ở mức 15.580 – 16.600 triệu đồng/tấn. Cụ thể: Tại miền Bắc, thép Hòa Phát ghi nhận giá tăng mạnh lên mức 15.580 đồng/kg với thép cuộn CB240. Giá thép D10 CB300 cũng đã chạm mức 15.780 đồng/kg. Với thép Việt Ý, mức giá với thép cuộn CB240 đang ở mức 15.740 đồng/kg, trong khi đó thép D10 CB300 tăng nhẹ lên mức 15.690 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Đức hiện mức giá thép cuộn CB240 15.690 đồng/kg và D10 CB300 là 15.720 đồng/kg. Thương hiệu Kyoei, giá thép cuộn CB240 và D10 CB300 có sự tăng mạnh đang ở mức giá lần lượt là 15.690 đồng/kg và 15.790 đồng/kg.
Tại miền Trung, giá thép của Hòa Phát đang mức 16.110 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, và 15.860 đồng/kg đối với thép D10 CB300, tăng 300 đồng/kg. Giá thép của thương hiệu Việt Đức cũng đang ở mức 15.690 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, và 15.720 đồng/kg đối với thép D10 CB300. Còn giá thép Pomina hiện chạm mức 16.090 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, 16.240 đồng/kg đối với thép D10 CB300.
Tại miền Nam, thép Hòa Phát ghi nhận mức giá thép cuộn CB240 là 15.790 đồng/kg. Giá thép D10 CB300 có đã tăng nhẹ lên mức 15.840 đồng/kg. Thương hiệu Pomina tăng mạnh về giá, với thép cuộn CB240 và thép D10 CB300 đã tăng mạnh lên mức 16.090 đồng/kg và 16.190 đồng/kg.
Các chuyên gia ngành Thép dự báo xu hướng diễn biến giá nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 sẽ có nhiều biến động, có thể thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008. Nhiều dự báo trước đó cho rằng giá thép chỉ tăng tối đa đến quý II, tuy nhiên với những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác, giá thép có thể tăng đến hết quý III.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân biến động bất thường giá thép thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021 là do mất cân bằng cung cầu sản phẩm thép thành phẩm. Ngoài ra còn do nguyên liệu đầu vào tăng dẫn đến việc nhiều nhà máy thép liên tục có thông báo điều chỉnh tăng giá thép từ tháng 12/2020 đến thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, các chuyên gia xây dựng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến lượng thép thiếu hụt là do việc xây dựng tăng nhanh trong những năm gần đây, trong khi đó phương thức xây dựng truyền thống sử dụng nhiều thép sẽ khiến nguồn cung thép trong nước ngày càng quá tải, trong đó chủ yếu sử dụng thép thanh. Loại thép này dù trong nước đã sản xuất được nhưng số lượng còn hạn chế và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, dẫn đến phụ thuộc nhiều vào thép nhập khẩu trong khi sản lượng nhập khẩu giảm, dễ mất cân bằng cung cầu thép xây dựng.
Doanh nghiệp “đau đầu” tìm giải pháp
Giá thép tăng khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng loại nguyên liệu này đang phải xoay xở tìm cách ứng phó. Mỗi dự án xây dựng dân dụng, thép thường chiếm tỷ trọng 10-30% tổng giá trị dự án, vì thế biến động giá mặt hàng này tác động rất mạnh tới các nhà thầu. Không ít doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu cho biết, việc thép tăng giá từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả dự án mà họ đã ký hợp đồng với đối tác, khả năng nhận thầu các dự án vì thế bị co lại.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện một Công ty xây dựng cho biết: Việc tăng giá thép đã làm tăng hơn 30% giá gói thầu, bởi nguyên liệu thép không chỉ liên quan đến kết cấu công trình mà còn hệ thống cơ điện, phòng cháy chữa cháy. Vì vậy, lựa chọn gói thầu giai đoạn này là rất khó khăn, và có thể thiệt hại cho nhà thầu nếu không có sự hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc bù giá thép. Những tháng đầu năm 2021, giá thép tăng liên tục, tất cả gói thầu chưa giao khoán được vì đang đợi giá thép để chốt giá, điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Trên cơ sở đó, Công ty có đề xuất Nhà nước điều tiết hoặc có hướng dẫn cụ thể trong việc bù giá thép trong từng thời gian trượt giá.
Đại diện Công ty TNHH xây dựng Thăng Long chia sẻ thêm: Theo quy định của Nhà nước, dự phòng phí không quá 10% nhưng riêng vật liệu thép trong giai đoạn hiện nay lên tới 30% thì dự phòng này lấy từ đâu ra? Có được điều chỉnh không và ai là người điều chỉnh với thiệt hại này, cần phải có hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Giải pháp của cơ quan quản lý Nhà nước
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng đã đề xuất một số giải pháp nhằm ổn định cung cầu, giá thép xây dựng. Trong ngắn hạn, ngoài việc phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để theo dõi, điều hành giá thép, Bộ Xây dựng sẽ chủ động tổng hợp thông tin của các địa phương trong cả nước về diễn biến tình hình giá thép làm ảnh hưởng đến tình hình đầu tư xây dựng công trình để kịp thời hướng dẫn, đề xuất với Chính phủ các biện pháp khắc phục (nếu có) nhằm đảm bảo hoạt động của thị trường xây dựng trong năm 2021.
Trong dài hạn: Nghiên cứu, thúc đẩy làm gia tăng năng lực sản xuất thép thành phầm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu thép thành phẩm trong nước; Nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đồng cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm; Nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng, thay thế phương pháp bê tông cốt thép bằng công nghệ xây dựng mới kết cấu thép.
Tổng hợp ý kiến của nhiều Bộ, ngành, ngày 05/02/2021, Bộ Công Thương có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nêu một số giải pháp ổn định cung – cầu, và giá thép trong năm 2021. Cụ thể: Xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh trạnh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế. Theo dõi và xem xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Bộ Công Thương kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho một số Bộ, ngành. Trong đó, giao cho Bộ Xây dựng: “Dự báo và cung cấp nhu cầu sắt, thép xây dựng của nền kinh tế năm 2021 để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm thép các loại giúp các doanh nghiệp ngành Thép chủ động trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp sản xuất thép”.
Các doanh nghiệp và dư luận cho rằng: những kiến nghị của Bộ Công Thương đối với Thủ tướng Chính phủ là những vấn đề “lớn lao” của nền kinh tế đất nước. Thực tế việc biến động giá thép của nhiều tháng qua đang khiến cho nhiều nhà đầu tư, nhiều nhà thầu xây dựng đang tiến đến bờ vực “phá sản” và những hậu quả pháp lý khác nếu không được giải quyết kịp thời. Đã đến lúc Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến giao cho Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng ban hành, hướng dẫn việc bù giá thép cho các công trình xây dựng trong thời gian vừa qua và trong thời gian tới nếu giá thép còn biến động. Để các nhà thầu, các nhà đầu tư yên tâm hoàn thành các công trình xây dựng theo tiến độ, góp phần vào sự ổn định, tăng trường nền kinh tế đất nước.