Thành ủy Cần Thơ mới vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ “Về thu hút các nguồn lực đầu ngoài ngân sách nhà nước đến năm 2020”. Tại Hội nghị, ông Mai Như Toàn - Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ đã có bài phát biểu tham luận “Công tác quy hoạch xây dựng góp phần thu hút đầu tư”.
Một góc đô thị Cần Thơ
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Thành ủy Cần Thơ về thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đến năm 2020, ngành xây dựng thành phố Cần Thơ nhận thức rõ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách để phát triển thành phố và xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ.
Qua 05 năm, thành phố Cần Thơ thực hiện rất nhiều công việc để tăng cường thu hút đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách. Trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng có thể điểm qua những nét chính như sau: Thành phố tiến hành lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp thành phố (cấp nước, thoát nước, cao độ nền và thoát nước mặt, cấp điện và chiếu sáng, cây xanh, quản lý chất thải rắn đô thị, nghĩa trang). Hoàn thành phê duyệt 04 đồ án quy hoạch khu đô thị (quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Thốt Nốt), Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Cờ Đỏ; đồng thời, thành phố cũng đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, Chương trình phát triển nhà ở để làm cơ sở quản lý đầu tư phát triển đô thị và nhà ở theo pháp luật hiện hành.
Thông qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho công tác phát triển đô thị theo quy định hiện hành. Cụ thể là cơ sở cho việc xác định lộ trình, kế hoạch phát triển nhà ở, phát triển đô thị, xác định dự án phát triển đô thị, dự án hạ tầng khung đô thị phục vụ công tác thu hút đầu tư những năm qua.
Bằng việc tạo hành lang pháp lý, lộ trình cụ thể, thành phố đã dành sự quan tâm và nguồn lực để thực hiện cũng như kêu gọi đầu tư nguồn lực vốn xã hội để hoàn thành hệ thống hạ tầng khung cho đô thị, làm tiền đề thu hút các nguồn vốn xã hội tham gia đầu tư vào thành phố những năm qua và sắp tới.
Công việc quy hoạch có thể không sản xuất trực tiếp ra của cải vật chất nhưng nó là tiền đề để mọi hoạt động đầu tư của toàn xã hội vận hành. Có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm tùy vào chất lượng bản thân công tác quy hoạch cũng như quá trình triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, thành phố Cần Thơ nói riêng cũng như các địa phương khác trên cả nước nói chung cũng còn gặp nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan. Làm hạn chế phần nào tiến độ phát triển theo kế hoạch mong muốn.
Một vấn đề có thể nói là điểm thắt trong thực hiện các kế hoạch đầu tư của thành phố, không chỉ các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách mà cả các dự án sử dụng ngân sách của thành phố. Đó chính là thiếu quỹ đất dành cho phát triển đô thị, trong đó có cả quỹ đất dành cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nên việc áp dụng giải pháp phát triển đô thị theo quy định của pháp luật về đất đai, đấu thầu, đầu tư, xây dựng và nhà ở gặp nhiều khó khăn. Hầu hết việc phát triển đô thị dựa vào nguồn lực sẵn có của từng nhà đầu tư, chủ đầu tư, dẫn đến tình trạng manh mún, thiếu đồng bộ, nhiều nhà đầu tư mong muốn đạt được hiệu quả tối đa của dòng vốn nên chọn tham gia đấu thầu giá các quỹ đất sạch để phát triển dự án theo quy hoạch… nhưng chúng ta không có, nhất là các dự án dịch vụ, thương mại, công nghiệp có quy mô lớn.
Nhà ở Khu đô thị Nam Cần Thơ
Trong giai đoạn tời, với tinh thần đổi mới trong cải cách thể chế lĩnh vực quy hoạch và đầu tư của nước ta mà Đảng và Nhà nước đang tích cực tiến hành, thành phố Cần Thơ phải chuẩn bị sẵn điều kiện cần và đủ để chủ động được kế hoạch phát triển thành phố. Chủ động đón dòng đầu tư các nguồn vốn xã hội cả trong và ngoài nước.
Trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, ngành xây dựng sẽ tiếp tục chú trọng đổi mới công tác tham mưu. Xem công tác đánh giá, rà soát là công tác trọng tâm, kịp thời ghi nhận các nhu cầu của xã hội để bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng. Các đồ án quy hoạch đi vào đời sống mới là các đồ án quy hoạch tốt. Đặc biệt, định hướng của các đồ án là chú ý khơi thông nguồn vốn từ xã hội, đây là nguồn vốn đặc biệt lớn trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố. Lập và trình duyệt nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ; tiếp tục lập, trình phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn; Đồ án quy hoạch giao thông thành phố Cần Thơ - là đồ án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật giao thông của thành phố trực thuộc trung ương; các đồ án quy hoạch xây dựng khác theo kế hoạch của thành phố.
Ngành Xây dựng cùng với các ngành có liên quan về đất đai, đầu tư, tài chính phối hợp chặt chẽ để cải thiện chất lượng các đồ án quy hoạch, kịp thời phản ánh nhu cầu vận động xã hội. Quan trọng nhất trong đó là xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khung cũng như tạo quỹ đất - là một bước đi trước để đảm báo khi đầu tư xây dựng đạt được hiệu quả tối ưu về dòng vốn, tài chính và đúng quy định pháp luật hiện hành.
Đồng thời, ngành Xây dựng quan tâm đến khâu nâng cao năng lực quản lý của công chức, cán bộ lãnh đạo, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, trong đó có người dân, các nhà đầu tư, đối tác. Tăng cường hợp tác quốc tế theo chiều sấu, có trọng tâm (ngành Xây dựng xác định lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật cần có hợp tác sâu).
Trước mắt, việc cần làm ngay trong năm đầu của giai đoạn 2021-2025, chính là phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh tham mưu thành phố trong công tác thu hút đầu tư theo định hướng đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được duyệt trong năm 2020 (quận Cái Răng, quận Bình Thủy, quận Thốt Nốt, huyện Cờ Đỏ, huyện Phong Điền và các địa bàn khác có điều kiện thu hút đầu tư).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 – 2020, đạt 280.080 tỷ đồng, cơ bản đạt mục tiêu đặt ra theo Nghị quyết số 06-NQ/TU và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII; trong đó, riêng đầu tư ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ 77,7% (217.591 tỷ đồng gồm: vốn đầu tư trong nước, ngoài ngân sách 210.700 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 6.891 tỷ đồng). Chưa bao gồm Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, vốn đăng ký 30.560 tỷ đồng được Thủ tướng Chính phủ Quyết định chủ trương đầu tư ngày 31/12/2020.
Cơ cấu đầu tư chuyển dịch tích cực, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước giảm bình quân 19,16%/năm; vốn khu vực ngoài nhà nước tăng 33,27%/năm và vốn khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 3,11%/năm, gấp 1,55 lần thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 (180.690 tỷ đồng); tăng từ 43.672 tỷ đồng (thực hiện năm 2016) lên 83.893 tỷ đồng (ước thực hiện 2020).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm đáng kể tỷ trọng khu vực nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả; tăng dần tỷ trọng các ngành chế tạo, chế biến, có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Ước đến cuối năm 2020, tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 7,24%, giảm 2,02% so năm 2016; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 32,71%, tăng 0,33%; khu vực dịch vụ (bao gồm thuế sản phẩm) chiếm 60,05%; tăng 1,69%.