Ngày đăng 31/12/2020 | 04:20 AM

Tập huấn về Xây dựng kế hoạch hành động khí hậu theo khung báo cáo GCoM

Lượt xem: 850  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Tập huấn về Xây dựng kế hoạch hành động khí hậu theo khung báo cáo GcoM

Nhằm mục tiêu tăng cường quan hệ hợp tác với các thành phố, đồng thời cập nhật kiến thức về lồng ghép mục tiêu thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu trong các kế hoạch phát triển của thành phố, trong khuôn khổ dự án GCoM (Công ước Thị trưởng toàn cầu về khí hậu và năng lượng), sáng 20/12/2020, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) phối hợp với Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp quốc (UN – Habitat) tổ chức buổi tập huấn về Xây dựng kế hoạch hành động khí hậu theo khung báo cáo GcoM tại AMC.

Tham dự buổi tập huấn có TS. Nguyễn Quang – Giám đốc UN – Habitat tại Việt Nam, TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc AMC cùng các học viên đến từ các sở, phòng ban chuyên môn của một số thành phố, các viện nghiên cứu, trường đại học…


 

TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc AMC phát biểu khai mạc buổi tập huấn


Phát biểu tại buổi tập huấn, TS. Trần Hữu Hà – Giám đốc AMC cho biết, biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn, theo số liệu của các tổ chức quốc tế thì Việt Nam là một trong năm quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất về biến đổi khí hậu. Với sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị, sự năng động phát triển kinh tế của các địa phương với gần 900 đô thị các cấp, việc tính tới các yếu tố tác động, đưa ra đường lối phát triển bền vững là điều hết sức cần thiết. Là đơn vị hàng đầu của ngành Xây dựng trong đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, chính sách pháp luật, chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và quốc tế trong xây dựng và phát triển đô thị, AMC vui mừng đồng hành cùng UN – Habitat cũng như các tổ chức quốc tế khác cập nhật thông tin, chia sẻ những kiến thức chung trong phát triển đô thị bền vững, đô thị tăng trưởng xanh ứng phó biến đổi khí hậu.


 

TS. Nguyễn Quang – Giám đốc UN Habitat tại Việt Nam phát biểu tại buổi tập huấn


Theo TS. Nguyễn Quang – Giám đốc UN Habitat tại Việt Nam, Đô thị hóa nhanh đặt ra những thách thức đối với các đô thị Việt Nam, đặc biệt là các đô thị thứ cấp trong việc phát triển kinh tế bền vững, hòa nhập đồng thời duy trì khả năng chống chịu. Các đô thị là động lực quan trọng cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam khi đóng góp khoảng 70% tổng GDP, và theo dự báo đến năm 2040, 50% dân số Việt Nam sẽ sinh sống ở các đô thị. (1) khoảng 75% dân số đô thị đang sống tại khu vực vùng thấp ven biển, (2) theo dự báo đến năm 2050, việc thay đổi lối sống và sử dụng năng lượng phát thải khí cacbon ở mức cao sẽ giúp GDP tăng trưởng gấp 10 lần, nhưng đồng thời mức phát thải khí nhà kính trên đầu người cũng sẽ tăng gấp 10 lần. Do đó, các giải pháp hành động đến từ các thành phố và đô thị của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu cấp độ quốc gia cũng như toàn cầu.

 


Buổi tập huấn áp dụng phối hợp phương pháp giảng dạy trực tiếp và online


Toàn cảnh khóa tập huấn


Trong buổi sáng diễn ra tập huấn, các đại biểu sẽ được nghe giới thiệu các nội dung về: Giới thiệu về Công ước Thị trưởng toàn cầu về Năng lượng và Khí hậu (GCoM) và báo cáo Kế hoạch hành động Khí hậu; công cụ Đánh giá Rủi ro và Tính dễ bị tổn thương (CVRA) và các hành động thích ứng; chia sẻ của thành phố thí điểm dự án năm 2020 về kết quả đánh giá và việc lập kế hoạch thích ứng cho đô thị (TP. Đà Nẵng và TP. Cần Thơ); công cụ kiểm kê Khí nhà kính trong đô thị và các hành động giảm thiểu.


Công ước Thị trưởng toàn cầu về khí hậu và năng lượng (GCoM) là liên minh lớn nhất thế giới của các đô thị và chính quyền địa phương với tầm nhìn chung dài hạn về việc thúc đẩy và hỗ trợ hành động tự nguyện để ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng tới tương lai với lượng phát thải thấp và thích ứng với khí hậu. Liên minh có sự tham gia của hàng ngàn đô thị mọi quy mô trên 6 châu lục và hơn 120 quốc gia, chiếm gần 10% dân số thế giới. Thông qua GCoM, các đô thị và chính quyền địa phương tự nguyện cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, thể hiện các cam kết mà chính phủ của họ đã đặt ra để đảm bảo đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris. Các đô thị tham gia Công ước GCoM có cơ hội kết nối và chia sẻ kiến thức, ý tưởng, cùng sự tham gia hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của các bên liên quan.

Trong năm 2019-2020, Liên minh châu Âu đã hỗ trợ triển khai Công ước GCoM tại châu Á thông qua Chương trình hợp tác Đô thị châu Á (IUC-Asia). Tại Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác giữa Liên minh châu Âu với Bộ Tài nguyên và Môi trường, IUC đã phối hợp với Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) để hỗ trợ 3 thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng và Tam Kỳ xây dựng đề xuất Kế hoạch Hành động Khí hậu (CAP) từ tháng 2/2020 cho đến nay.

 

 

Admin
Lượt xem: 850  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207