Đây là nội dung chính của Hội thảo “Thủ tục hành chính liên ngành về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan dưới góc nhìn của doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 26/11.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là chủ trương quan trọng mà Đảng đã đề ra và Chính phủ ưu tiên thực hiện.
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tích cực trong công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đổi mới điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa 157/254 điều kiện đầu tư kinh doanh, đạt 62%, thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng, qua đó cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Ông Sinh cho biết thêm, Chỉ số Cấp phép xây dựng là một trong 10 chỉ số quan trọng được Ngân hàng Thế giới dùng để đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của một nền kinh tế. Chỉ số này có ý nghĩa và tầm quan trọng, ảnh hưởng tới đánh giá của quốc tế về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. “Năm 2019, với nỗ lực trong công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Xây dựng, Chỉ số Cấp phép xây dựng tiếp tục được cải thiện và là chỉ số xếp hạng cao nhất trong 10 chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá cao sự phối hơp của Bộ Xây dựng với VCCI trong việc xây dựng, hoàn thiện Báo cáo “Thủ tục hành chính liên ngành trong cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan dưới góc nhìn của doanh nghiệp”. Báo cáo này sẽ cung cấp những bằng chứng thực tế về việc thực hiện các thủ tục, đặc biệt là thủ tục hành chính liên ngành trong cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó đề xuất một số giải pháp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.
Dư địa để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính vẫn còn nhiều
Đánh giá của VCCI cho thấy thời gian gần đây, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có nhiều sự chuyển biến tích cực với những nỗ lực cải cách của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương. Thay đổi này tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực kinh tế. Cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực đã có nhiều kết quả tích cực qua phản ánh của các doanh nghiệp. Điều tra doanh nghiệp thường niên của VCCI trong khuôn khổ Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã cho thấy điều này.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, dư địa để tiếp tục cải cách vẫn còn nhiều. Điều tra doanh nghiệp của VCCI cho thấy, cải cách hành chính nếu xét riêng trên từng lĩnh vực cơ bản đã có thay đổi tích cực. Tuy nhiên những phản ánh của các doanh nghiệp qua các cuộc điều tra, khảo sát và hội nghị do VCCI tiến hành cũng như qua nhiều kênh khác cho thấy, hiện nay các vướng mắc của doanh nghiệp khi triển khai dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính là rất lớn, trong đó điển hình là những dự án có công trình xây dựng.
Toàn cảnh Hội thảo “Thủ tục hành chính liên ngành về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan dưới góc nhìn của doanh nghiệp”. Ảnh: VGP/ Toàn Thắng
Với những dự án này, các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải tiến hành các thủ tục hành chính tại nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, ở nhiều cấp khác nhau và liên quan tới nhiều công đoạn từ xin phê duyệt chủ trương đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, khởi công… cho tới đưa công trình vào sử dụng. Những chồng lấn, xung đột trong pháp luật về quy trình thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền đã gây ra nhiều tốn kém về thời gian và chi phí. Bản thân các cơ quan chính quyền cũng còn lúng túng trong việc áp dụng pháp luật và phải đối mặt với nhiều rủi ro pháp lý trong thời gian gần đây.
Chia sẻ với quan điểm này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) cũng cho rằng “dư địa để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính vẫn còn rất nhiều”. Bà Thảo cũng thẳng thắn chỉ rõ, đối với doanh nghiệp, những thủ tục liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn vướng mắc thì người dân còn vướng hơn nhiều.
Bà Thảo kiến nghị, muốn tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải cách thủ tục hành chính cần phải tăng cường giám sát thực thi công vụ.
Thủ tục hành chính liên ngành qua một vài con số
Theo thống kê từ Cổng dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử của Bộ Xây dựng, số thủ tục hành chính về hoạt động xây dựng của Bộ là 10 nhóm thủ tục, chia làm 22 thủ tục nhỏ, trong đó có 9 thủ tục liên qquan đến triển khai dự án đầu tư xây dựng. Ở cấp địa phương, nhiều UBND cấp tỉnh cũng đã ban hành danh mục thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Sở xây dựng và các UBND cấp huyện.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, do số lượng thủ tục hành chính lớn và liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều cấp chính quyền, Báo cáo của VCCI tập trung vào những thủ tục hành chính liên ngành mà doanh nghiệp thường gặp phải khi thực hiện công trình xây dựng.
Theo đó, 13 thủ tục hành chính được lựa chọn để thu thập ý kiến đánh giá từ các doanh nghiệp gồm: quyết định chủ trương đầu tư; các thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; thủ tục liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; thẩm định về phòng cháy chữa cháy; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; thẩm định thiết kế cơ sở, kết nối cấp điện; cấp thoát nước; thanh tra, kiểm tra về xây dựng; thanh tra kiểm tra về phòng cháy chữa cháy; kiểm tra xác nhận công trình bảo vệ môi trường và đăng ký giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng.
Khoảng 2100 doanh nghiệp gồm cả doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp FDI có hoạt động xây dựng mới, cải tạo nhà xưởng trong 2 năm gần nhất đã cung cấp thông tin trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực xây dựng.
Cụ thể, doanh nghiệp cảm thấy dễ dàng thực hiện các thủ tục hơn khi được trực tiếp làm việc với các “doanh nghiệp” khác. Đó là việc thực hiện các thủ tục cấp thoát nước, cấp điện, làm việc với doanh nghiệp cấp nước và với các công ty điện lực. Tỉ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiến hành 2 thủ tục này lần lượt là 23,6% và 27,9%. Tỉ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với các thủ tục hành chính còn lại. Cụ thể, ở tất cả các thủ tục khác, một tỉ lệ đáng kể doanh nghiệp còn gặp khúc mắc, chiếm từ 32,5% đến 58,4%.
Thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy và kiểm tra, thanh tra về phòng cháy chữa cháy là những thủ tục được nhiều doanh nghiệp trả lời khảo sát tuân thủ nhiều nhất trong hai năm qua. Điều đáng chú ý là tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với hai thủ tục này còn khá cao, lần lượt là 38,3% và 34%.
Xếp cao nhất về tỉ lệ doanh nghiệp từng gặp khó khăn là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lần lượt là 58,4% và 52,2% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện hai nhóm thủ tục này.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 38,2% doanh nghiệp chưa hài lòng với hoạt động thanh tra, kiểm tra về xây dựng của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này có thể do việc thanh tra chồng chéo, trùng lặp về nội dung, đối tượng hoặc cán bộ thanh tra “gây khó dễ” từ góc độ phản ánh của doanh nghiệp.
Báo cáo của VCCI cũng chi ra trải nghiệm của doanh nghiệp dân doanh đối với các thủ tục liên ngành về xây dựng kém tích cực hơn đáng kể so với các doanh nghiệp FDI
Đối với thủ tục cấp giấy phép xây dựng, báo cáo khảo sát của VCCI cho thấy, một doanh nghiệp điển hình cần khoảng 3 lượt đến cơ quan nhà nước để hoàn tất việc xin cấp phép xây dựng. Trong thực tế, số lần trung bình đến cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng của doanh nghiệp FDI giảm hơn so với các doanh nghiệp dân doanh trong nước với khoảng 68% doanh nghiệp dân doanh mất không quá 3 lượt đi lại đến cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục. Tỉ lệ này ở doanh nghiệp FDI là gần 58%.
Theo khảo sát, thời gian trung bình giải quyết thủ tục cấp giấy pháp xây dựng cho doanh nghiệp khoảng 25 ngày. Nếu căn cứ trên quy định hiện hành về thời gian tối đa giải quyết thủ tục cấp phép xây dựng là 30 ngày kể từ khi hồ sơ hợp lệ thì khoảng 15,5% doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết nhận được giấy phép xây dựng muộn sau thời hạn này và 10,3% doanh nghiệp phải chờ đợi lâu hơn 2 tháng.
Nhận diện những “điềm nghẽn”
Các kết quả phân tích trong báo cáo của VCCI đã chỉ ra những “điểm nghẽn” chủ yếu gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên ngành trong cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan.
Cụ thể, tổng thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên ngành trong cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan còn phát sinh tỷ lệ đáng kể các trường hợp kéo dài hơn so với quy định.
Cùng với đó, việc hướng dẫn, hỗ trợ thông tin thực hiện thủ tục hành chính liên ngành trong cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục có liên quan còn chưa tiếp cận đến tất cả các doanh nghiệp. Một số cán bộ, giải quyết và tiếp nhận hồ sơ trong lĩnh vực xây dựng còn gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Vẫn còn tỉ lệ đáng kể doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.
Từ thực tế đó, VCCI đã đề xuất các định hướng giải pháp rút ngắn chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong đó kiến nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt các hoạt động rà soát hệ thống pháp luật về xây dựng và các lĩnh cự có liên quan như phòng cháy, chữa cháy, đất đai, môi trường để thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng lồng ghép, tích hợp các nhóm thủ tục tương tự về quy trình hoặc biểu mẫu hồ sơ, đơn giản hóa các giấy tờ và mẫu biểu để giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ cho doanh nghiệp. Kiến nghị xây dựng các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan để giải quyết đồng thời các thủ tục hành chính
VCCI cũng đề xuất định hướng giải pháp hỗ trợ thông tin, hướng dẫn thủ tục hành chính liên ngành trong lĩnh vực xây dựng cho doanh nghiệp; định hướng giải pháp giảm thiểu chi phí không chính thức; tăng tính minh bạch và liêm chính trong công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính.