(Xây dựng) - Đại dịch Covid-19 có tác động đến tư duy quy hoạch đô thị và hoạch định chính sách trên thế giới? Nếu có, nó sẽ thay đổi như thế nào? Đó là câu hỏi đã và đang đặt ra cho các nhà quy hoạch và các nhà hoạch định chính sách.
Công nghệ mới
Do tác động của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên kể từ năm 1990, mức độ nghèo khổ trên toàn cầu sẽ gia tăng khiến “một thập niên tiến bộ” sẽ bị đánh mất. Thậm chí, ở một số nơi bị đại dịch tác động mạnh như khu vực Bắc Phi, cận Sahara châu Phi và Trung Đông, Mỹ Latinh, những tiến bộ đạt được trong 30 năm qua ở những nước này có thể bị tiêu tan.
Đại dịch Covid-19 được các chuyên gia đánh giá là đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại, đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trên thế giới và nguy hiểm vẫn không ngừng rình rập. Vì sự nguy hiểm của Covid-19, có những việc làm và thói quen xưa nay chưa từng áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, nay lại được thực hiện theo cách bất khả kháng. Người dân đô thị, đặc biệt là dân nghèo là nhóm người chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ đại dịch này.
Các chuyên gia quy hoạch từ Đại học Griffith (Australia) cho rằng robot, máy bay không người lái, dữ liệu lớn... sẽ trở thành những yếu tố cần thiết mang tính cố định trong quy hoạch đô thị tương lai. Mục đích chính là nhằm giúp sớm phát hiện những vấn đề tiềm ẩn của thiên tai, dịch bệnh như Covid-19. Họ cho rằng những công nghệ này sẽ trở thành những yếu tố cố định trong quy hoạch đô thị tương lai, giúp sớm phát hiện những vấn đề tiềm ẩn, từ đó có phản ứng nhanh hơn.
Covid-19 không phải lần đầu tiên dịch bệnh xảy ra dẫn tới những thay đổi trong quy hoạch đô thị. Các ghi chép cho thấy sự kiện xảy ra các đợt bùng phát dịch tả những năm 1830 đã dẫn tới những giải pháp xử lý nước thải tốt hơn tại nhiều thành phố trên thế giới mà điển hình là thủ đô London (Anh). Dịch lao xảy ra tại New York hồi đầu thế kỷ XX đã hình thành cho việc cải thiện các hệ thống vận chuyển công cộng và các quy định về nhà ở. Dịch viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003, tác động mạnh nhất tới Singapore khiến quốc gia này nhận ra cần phải nâng cấp các cơ sở hạ tầng y tế và tạo ra những hệ thống theo dấu dịch bệnh.
Còn theo các chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển Anh, các dịch bệnh đóng vai trò như chất xúc tác tạo ra những chuyển biến trong cách ứng phó dịch bệnh, đặc biệt là khu vực đô thị. Sự vào cuộc của cả cộng đồng là yếu tố then chốt giúp kiểm soát bệnh dịch hiệu quả, giúp truyền tải những thông tin đáng tin cậy, triển khai các cuộc khảo sát hoặc hạn chế đi lại.
Trên thực tế, có một số quốc gia mà điển hình là Nhật Bản và Hàn Quốc đã sử dụng robot, máy bay không người lái, dữ liệu lớn để theo dấu đợt bùng phát dịch bệnh, để khử trùng các bệnh viện và giao các nhu yếu phẩm.
Quỹ đất thay đổi
Trong khi đô thị phải đối mặt với những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu, nay lại thêm biến cố đô thị của dịch bệnh Covid-19 hoành hành. Vì thế các nhà quy hoạch đô thị sẽ phải đau đầu hơn nữa để tìm ra giải pháp sử dụng quỹ đất hiệu quả. Theo Liên Hợp Quốc, đến năm 2050, hơn 65% dân số thế giới sẽ sinh sống tại các đô thị, cao hơn mức 56% hiện tại. Các chuyên gia cho rằng các nhà quy hoạch có thể sẽ phải cân nhắc để dành quỹ đất chiến lược cho việc xây dựng các cơ sở y tế hoặc nhà ở tạm thời khi cần thiết.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã phải vận dụng quỹ đất để xây dựng bệnh viện, trung tâm cứu trợ nhanh, trung tâm phục hồi sau dịch bệnh… Điển hình, Trung Quốc đã phải khẩn cấp xây dựng 16 bệnh viện dã chiến tại thành phố tâm dịch Vũ Hán để phục vụ điều trị cho số bệnh nhân ngày một tăng ở thời điểm dịch dần lên đỉnh điểm. Hong Kong cũng đã trưng dụng nhiều khu nhà ở cộng đồng để sử dụng như các cơ sở cách ly. Italy cũng đã sử dụng một chiếc phà lớn để làm bệnh viện dã chiến. Từ vấn đề này, bài toán đặt ra cho các nhà quy hoạch cần phải dành một quỹ đất nhất định trong mỗi đồ án phát triển đô thị để phòng tránh rủi ro khi cần thiết.