Sáng 08/10/2020, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị đã có buổi gặp và làm việc với tập đoàn GFS tại trụ sở Học viện về áp dụng khoa học công nghệ mới trong các dự án xây dựng nhà ở xã hội
Tham dự buổi làm việc, về phía AMC có TS. Trần Hữu Hà - Giám đốc, cán bộ chủ chốt, cán bộ chuyên môn một số phòng ban; về phía GFS có ông Đỗ Đức Thắng - Nhà sáng chế công nghệ xây dựng cùng một số cán bộ thuộc tập đoàn.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc này, ông Đỗ Đức Thắng đã giới thiệu sơ lược về Tập đoàn GFS cũng như Đề án mà tập đoàn đang triển khai. Theo đó, được cổ phần hóa năm 2005 từ một doanh nghiệp nhà nước (thành lập năm 1997) tới nay Tập đoàn GFS có 12 công ty thành viên, hoạt động trong 3 lĩnh vực đầu tư mũi nhọn: Tài chính, Xây dựng, Năng lượng, và một số lĩnh vực đầu tư thương mại, gồm cả Bất động sản, Khoa học - công nghệ, Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.
Hiện tại, GFS đã có viện ứng dụng công nghệ đã đi vào hoạt động tốt và có nhiều thành tựu; tập hợp nhiều nhà khoa học, nhanh chóng tạo lập năng lực nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực xây dựng nhà tiền chế bằng cấu kiện bê tông thế hệ có thành phần từ tro xỉ nhiệt điện mới bằng phương pháp thi công bán lắp ghép, bán toàn phần; tiến tới tiền chế các cấu kiện cầu thang, cabin bếp, cabin vệ sinh, vật liệu hoàn thiện, ốp, lát… trong lĩnh vực xây nhà nói tiêng và mở rộng nghiên cứu sản xuất các cấu kiện tiền chế ra các lĩnh vực khác như giao thông, thủy lợi, hạ tầng, nông nghiệp, năng lượng…
Về Đề án “Áp dụng công nghệ cao và công nghiệp hóa xây dựng” đang được GFS triển khai, ông Đỗ Đức Thắng cho biết, hiện nay nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân rất lớn nhưng vẫn chưa được đáp ứng đủ, một phần do giá nhà vẫn đang vượt quá mức khả năng tài chính của phần đông khách hàng. Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội của Chính phủ đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội, đồng thời khoa học công nghệ xây dựng đã có sự phát triển vượt bậc, việc tạo ra các loại vật liệu mới có tính năng kỹ thuật vượt trội với mức chi phí hợp lý đang là nhu cầu cấp thiết của xã hội nói chung và ngành Xây dựng nói riêng.
Mục đích của đề án nhằm tối ưu thời gian và chi phí thi công đảm bảo vượt trội so với phương án xây dựng phổ thông trên thị trường; giảm mạnh nhân công trên công trường; sử dụng các loại vật liệu tiên tiến, thân thiện với môi trường, giảm tối đa rác thải xây dựng; cách âm, cách nhiệt tốt, chống cháy; tạo ra hàng triệu mét vuông nhà ở cho những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở…
Sau khi nghe phía GFS trình bày, phía AMC cũng đưa ra một số thắc mắc về công nghệ GFS đang triển khai, đa số đều tập trung vào độ bền của kết cấu vật liệu, khả năng chống ngấm thấm, sự thuận lợi khi triển khai lắp đặt các hệ thống kỹ thuật…
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Trần Hữu Hà - Giám đốc AMC đánh giá cao dự án mà phía GFS đang triển khai, ông cho biết công nghiệp hóa ngành Xây dựng đã có từ những năm 1970 tuy nhiên còn mắc nhiều hạn chế, bất cập. với dự án này GFS đã xác định chiến lược sẽ là nhà đầu tư các dự án nhà ở xã hội, vì thế nên chú trọng vào nguồn lực từ các địa phương, các ngành có nhu cầu về nhà ở xã hội, phía GFS cũng có thể thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng thuộc Đề án nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp để từ đó làm đầu mối kết nối với các nhà lãnh đạo, quản lý đô thị để lan tỏa dự án, tiếp cận sớm đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào các địa phương.
PV