Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, thị trường bất động sản chưa có biểu hiện cực đoan như "đóng băng" hay phát triển "nóng".
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực xây dựng.
Báo cáo này được gửi đến các đại biểu Quốc hội, phục vụ kỳ họp thứ 10 của Quốc hội sẽ khai mạc vào cuối tháng 10.
to ảnh
Năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có thị trường bất động sản.
Theo số liệu được đưa ra trong báo cáo, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ năm 2014 đến năm 2018) thị trường bất động sản năm 2019 có xu hướng giảm.
Cụ thể, lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018, nguồn cung dự án bất động sản giảm 10% so với năm 2018. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2019, lượng giao dịch bất động sản giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.
Sang đến năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, về cơ bản thị trường bất động sản không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Các tác động chỉ mang tính chất cục bộ ở một số yếu tố của thị trường và một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
“Hiện nay, thị trường bất động sản đã cho thấy các tín hiệu phục hồi và phát triển lạc quan nếu Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19, không để lan rộng và kéo dài. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã tái khởi động hoạt động kinh doanh với những chiến lược và kế hoạch kinh doanh mới phù hợp với thị trường”, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, sau thời gian đình trệ hoạt động do giãn cách xã hội, các doanh nghiệp bất động sản đã bắt đầu tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai hoạt động kinh doanh, thay đổi chiến lược và kế hoạch kinh doanh, áp dụng các phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình hiện tại.
“Trong ngắn hạn, có thể thị trường sẽ tiếp tục gặp một số khó khăn nhất định do tác động của đại dịch, tuy nhiên về dài hạn, các doanh nghiệp bất động sản vẫn thấy được tiềm năng và tín hiệu lạc quan từ thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản công nghiệp do sự chuyển dịch của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết.
Riêng với các dự án nhà ở, phân khúc đất nền, Bộ Xây dựng cho rằng, đây là những phân khúc ít chịu tác động của đại dịch khiến đất nền là kênh đầu tư an toàn cho các doanh nghiệp bất động sản.
“Trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể của thị trường cho thấy hiện nay thị trường bất động sản chưa có biểu hiện cực đoan như “đóng băng” hay “phát triển nóng”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận định.