(Xây dựng) – Vừa qua, Bộ Xây dựng có văn bản trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến việc sử dụng quỹ đất công, thực hiện đấu giá các mặt bằng có vị trí đắc địa nhằm phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Sử dụng đất công có vị trí đắc địa để phát triển nhà ở xã hội
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, pháp luật về nhà ở đã có quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành quỹ đất ở để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Đồng thời, Nghị định số 100 cũng có quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh, bổ sung quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị của địa phương; thu hồi quỹ đất thuộc các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới đã giao cho các chủ đầu tư, nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm so với tiến độ đã phê duyệt, quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới nhưng chưa sử dụng để giao cho các chủ đầu tư có nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Liên quan đến nội dung kiến nghị của cử tri về sử dụng quỹ đất công, thực hiện đấu giá các mặt bằng có vị trí đắc địa để tạo vốn phát triển quỹ đất nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, vấn đề này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công do vậy.
Do vậy, Bộ Xây dựng đã đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để được xem xét, trả lời theo đúng thẩm quyền.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề cập đến một số kiến nghị của cử tri trong việc đề xuất nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách ưu đãi thuế đối với một số dự án.
Trong đó, dự án nhà ở thương mại giá thấp được giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê (100% căn hộ dùng để cho thuê) được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra cử tri cho rằng, cần có chính sách tín dụng ưu đãi đối với các dự án nhà ở thương mại giá thấp và đối với người mua nhà, thuê mua nhà ở thương mại giá thấp, đặc biệt là người trẻ mua căn nhà đầu tiên và được thế chấp bằng chính căn nhà mua.
Theo đó, đề nghị xem xét áp dụng lãi suất cho vay thương mại thấp hơn khoảng 20 - 25% so với lãi suất thông thường và có quy trình rút gọn về đầu tư và cấp giấy phép xây dựng, để tạo điều kiện sớm triển khai thực hiện dự án nhà ở thương mại giá thấp.
Trước loạt đề xuất này, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 29/5/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, trình Chính phủ trong quý 3 năm 2020.
“Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, Bộ Xây dựng đang phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, trình Chính phủ xem xét, quyết định”, Bộ Xây dựng cho biết.
Khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp phát triển
Hồi tháng 6/2020, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết đang nghiên cứu, xây dựng nhằm dự thảo khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2 có giá bán không quá 20 triệu đồng/m2, tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn (bao gồm cả VAT).
Nhóm cơ chế chính sách ưu đãi sẽ tập trung giúp hạ giá thành dự án bằng nhiều giải pháp, chẳng hạn như: giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp, bố trí 500 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cấp cho 4 ngân hàng thương mại để cấp bù lãi suất cho vay, được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở thương mại giá rẻ do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Ngoài ra các dự án này còn được miễn thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở đối với trường hợp áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công ty tư vấn, thi công xây lắp nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Hiện nguồn cung nhà ở đang lệch pha cung - cầu, lượng bất động sản cao cấp quá nhiều trong khi nhu cầu nhà ở bình dân mới thực sự lớn. Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, đến nay bài toán về nhà ở cho đa số người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong đô thị, công nhân lao động và người nhập cư vẫn chưa được giải quyết.
Hiệp hội đánh giá nhóm người này chịu thua thiệt nhiều nhất vì bị giảm cơ hội tạo lập nhà ở do tình trạng lệch pha cung - cầu của thị trường đang ngày càng rõ nét. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền ngày càng trầm trọng.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, gần 2 năm nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh gần như không có dự án mới được phê duyệt.
Cũng theo vị này, lượng chung cư ở Thành phố Hồ Chí Minh đa số còn lại những dự án đắt tiền với mức giá từ 70 - 80 triệu đồng/m2 trở lên. Dù tiêu thụ được nhưng với mức giá này, ông Đính cho biết, giao dịch chậm.
“Giá nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có thể đánh giá được ở phân khúc trung cấp bởi lẽ giá nhà ở bình dân không còn, phân khúc cao cấp thì có sự chênh lệch giá quá lớn. Chúng tôi xác định phân khúc cao cấp có mức giá từ 45 triệu đồng/m2 nhưng hiện giá chung cư cao cấp ở thành phố này thấp nhất cũng 60 - 70 triệu đồng/m2, có phân khúc chênh lệch quá lớn lên đến vài trăm triệu đồng/m2 nên chúng tôi không thể so sánh giá ở phân khúc cao cấp”, ông Đính chia sẻ.
Ông Đính lo ngại, nếu cứ tiếp tục đẩy giá như thế này thì chỉ khoảng nửa năm nữa, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn nhà ở phân khúc trung cấp, trong khi phân khúc bình dân cũng “biến mất” trước đó thì thành phố này sẽ chỉ còn nhà ở cho người giàu.