Ngày đăng 28/09/2020 | 12:01 PM

Chặn cá nhân mua bất động sản để lấy quốc tịch: Cần rà soát...

Lượt xem: 536  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Chặn cá nhân mua bất động sản để lấy quốc tịch: Cần rà soát...

Cần khảo sát, đánh giá rất khoa học, bài bản về tình trạng người Việt Nam đầu tư ra ngoài, nhất là với khu vực cán bộ, công chức...

Đề xuất ngăn chặn tình trạng cá nhân đầu tư BĐS ở nước ngoài nhằm mục đích lấy quốc tịch của Bộ KH-ĐT được cho là không mới. Luật đã có quy định tuy nhiên việc đầu tư ra nước ngoài vẫn diễn ra. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà môi giới địa ốc Mỹ (NAR) đưa ra năm 2017, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia mua nhà ở Mỹ nhiều nhất với khoảng 3 tỉ USD/năm. Mới đây nhất, việc ĐBQH Phạm Phú Quốc (TP.HCM) được phát hiện có hai quốc tịch đã gây nhiều chú ý. Điều này cũng cho thấy, hoạt động đầu tư ra nước ngoài lâu nay vẫn diễn ra khá sôi động.

 

Mua BĐS ngoại để lấy quốc tịch. Ảnh minh họa

 

Từ góc nhìn của mình, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, diễn biến thực tế đã buộc Bộ KH-ĐT phải soạn thảo những quy định cho phù hợp hơn.

Tuy nhiên, vị ĐB Lê Công Nhường cho rằng, nếu muốn những quy định tại dự thảo được sát với thực tế thì Bộ KH-ĐT nên thực hiện khảo sát, đánh giá rất khoa học, bài bản về tình trạng người Việt Nam đầu tư ra ngoài. Trong đó, cần làm rõ tỉ lệ người dân bình thường có tiền đầu tư ra nước ngoài chiếm bao nhiêu phần trăm; công chức nhà nước đầu tư ra ngoài là bao nhiêu và doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư bao nhiêu?

Từ việc khảo sát như vậy cũng sẽ làm rõ được mục đích của từng nhóm đầu tư để làm gì, là đầu tư kinh doanh, làm ăn, đầu tư cho con cái học hành hay đầu tư vì mục đích định cư, lấy quốc tịch ngoại?.

Dựa trên kết quả khảo sát cũng sẽ có được những đánh giá cơ bản, giúp làm rõ hơn nguồn gốc số tiền đầu tư từ đầu mà có. Ví dụ, với nhóm người dân đầu tư ra nước ngoài thì là những ai, một người dân bình thường chắc chắn sẽ không thể có quá nhiều tiền để đầu tư ra nước ngoài, vậy họ lấy tiền ở đâu để đầu tư ra nước ngoài?

Tương tự, với cán bộ, công chức cũng vậy, với mức lương hạn chế như hiện nay, nếu phải lo thêm cho gia đình, con cái, việc dành dụm, bỏ ra số tiền hàng triệu euro để đầu tư ra nước ngoài một lúc là việc không hề đơn giản. Như vậy, với khoản đầu tư này (nếu có) cũng cần phải làm rõ về nguồn gốc dòng tiền, việc này cũng là để làm rõ có hay không dấu hiệu tham ô, tham nhũng, rửa tiền thông qua hình thức đầu tư?

Ngay cả với doanh nghiệp cũng vậy, nếu làm rõ được động cơ, mục đích đầu tư cũng như nguồn gốc dòng tiền cũng sẽ làm rõ được số tiền của doanh nghiệp có được là nhờ các hoạt động làm ăn chân chính hay còn do buôn gian, bán lậu, nhờ vào các hoạt động làm ăn phi pháp mà có?

Đối với ĐBQH, chỉ trong nhiệm kỳ vừa qua chúng ta cũng đã chứng kiến ít nhất hai ĐBQH có quốc tịch nước ngoài. Đáng nói, cả hai ĐBQH này đã có quốc tịch nước ngoài từ nhiều năm trước nhưng không ai biết, không ai quản lý, kiểm tra, chỉ đến khi có những thông tin rò rỉ từ các tổ chức điều tra nước ngoài thì các cơ quan quản lý trong nước mới nắm được, mới điều tra, rồi xử lý.

Như vậy là rất thụ động và đôi khi khiến các cơ quan quản lý bị lúng túng trong việc xử lý với những trường hợp này.

Thực tế còn bao nhiêu người đã có quốc tịch ở nước ngoài nữa? Bao nhiêu người mà chưa bị phát hiện ra? Rất cần phải được khảo sát, đánh giá rất cụ thể.

"Phải khảo sát bài bản, khoa học như vậy, rồi dựa trên cơ sở đó để xây dựng thông tư, nghị định, có như vậy, thông tư, nghị định mới bám sát thực tế.

Nếu chỉ dựa trên công bố của một tổ chức nghiên cứu nào đó, hoặc chỉ dựa trên thông tin một vài công dân, một số ĐBQH nào đó có quốc tịch nước ngoài rồi vội ra dự thảo thông tư là chưa thuyết phục. Thông tư, nghị định muốn đi vào cuộc sống phải đánh giá được đúng bản chất của vấn đề, phải bám sát thực tế thì mới điều chỉnh được những gì thực tế đang diễn ra, nếu không, quy định cũng chỉ mang tính hình thức, hiệu quả không cao", vị đại biểu này nêu quan điểm.

Nhấn mạnh điều này, vị ĐB cho rằng, trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cộng thêm đặc thù giao dịch tài chính trong nước chủ yếu là tiền mặt thì, Việt Nam dễ trở thành miền đất hứa cho tội phạm rửa tiền hoạt động.

Do đó, việc khảo sát, đánh giá, làm rõ thực trạng của việc đầu tư ra nước ngoài sẽ giúp các cơ quan quản lý đưa ra được những biện pháp phù hợp nhằm hạn chế, ngăn chặn các hoạt động rửa tiền bất hợp pháp của cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là cán bộ, công chức... thông qua hình thức đầu tư, góp vốn, mua bán hàng hóa để có chế tài xử lý cho thích đáng.

Đề cập tới việc mở cửa cho doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài, vị ĐBQH Lê Công Nhường ủng hộ nên mở cửa cho doanh nghiệp miễn là đem lại lợi nhuận cho đất nước.

Ông lấy ví dụ, như Samsung khi đầu tư vào Việt Nam, họ cũng mang vốn từ Hàn Quốc sang đầu tư cho Việt Nam, nhưng rõ ràng những lợi nhuận mà Hàn Quốc nhận được từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này ở nước ngoài là không hề nhỏ.

Nhìn lại Việt Nam, ông nêu ví dụ như Vietell cũng được xem là một doanh nghiệp Việt thành công khi đầu tư ra nước ngoài. Vị đại biểu đánh giá, việc mở cửa cho doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài không những mang lại những đóng góp cho đất nước về mặt kinh tế mà còn khẳng định về vị thế, chủ quyền của đất nước.

Hơn nữa, việc minh bạch các quy định đầu tư cũng là giải pháp nhằm hạn chế tình trạng đầu tư chui, đầu tư theo con đường tắt của các nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, các hoạt động này nên được chấp thuận trong điều kiện năng lực, trình độ quản lý được nâng lên, các chế tài giám sát và xử phạt phải thật rõ ràng, nghiêm minh, chặt chẽ.

"Chúng ta không ngăn cấm các hoạt động đầu tư ra nước ngoài hợp pháp, chính đáng nhưng phải ngăn chặn các hoạt động rửa tiền. Vì thế, cần kiểm soát chặt chẽ dòng tiền thu nhập cá nhân, nhất là với các cán bộ, công chức, khi kiểm soát được cũng sẽ hạn chế được tình trạng tham ô, tham nhũng rồi chuyển tiền ra nước ngoài", vị đại biểu nói.

Từ những phân tích nói trên, ông Nhường nhắc lại quan điểm Bộ KH-ĐT nên tiến hành khảo sát, đánh giá công khai về tình trạng đầu tư ra nước ngoài sau đó cần lấy ý kiến phân tích, góp ý rộng rãi của giới chuyên môn, trên cơ sở đó sẽ đưa ra những góp ý cũng như đề xuất những giải pháp xử lý, ngăn chặn cho hiệu quả.

Theo Lam Lam
Đất Việt
Lượt xem: 536  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207