Chẳng là thời gian gần đây, giới truyền thông đã ồn ào về việc UBND tỉnh Hưng Yên đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 của Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang (KĐT Ecopark). Hàng loạt con số điều chỉnh “khủng” có xu hướng tăng lợi ích của nhà đầu tư, giảm lợi ích của xã hội và người dân đã khiến nhiều người lo lắng.
Lo rằng, liệu một khu đô thị khá hiện đại và danh tiếng kia đã và đang lao dốc theo vết xe đổ của khu đô thị Linh Đàm của Hà Nội?
Lo là, liệu đây đã và đang có “bàn tay vô hình” của một nhóm lợi ích đang thao túng để tìm kiếm một khoản lợi nhuận khổng lồ trước một nhiệm kỳ sắp mãn?
Lại còn một nỗi lo đã từng ám ảnh từ lâu, đó là sự buông lỏng kỷ cương phép nước trong lĩnh vực quy hoạch đô thị khiến nhiều thành phố trở thành một bức tranh dở khóc dở cười mà không thể khắc phục!
Đành biết rằng, ai ký quyết định thì người ấy chịu trách nhiệm chứ mắc gì “người dưới đất lo cho người trên cây”? Thế nhưng, thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, một trong những yếu tố làm rối loạn kỷ cương phép nước trong lĩnh vực quản lý xây dựng của nước ta là ở khâu… điều chỉnh quy hoạch.
Hẳn nhiều người còn nhớ vụ dự án The Arena - một tổ hợp khu vui chơi giải trí kết hợp du lịch nghỉ dưỡng lớn nhất TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) do Công ty CP Trần Thái Cam Ranh - trong vòng 4 năm (từ năm 2013 - 2017) mà đã có đến 5 lần được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết (!?).
Khi nhận xét về vụ việc này, người thì cho rằng vì để hấp dẫn nhà đầu tư tới địa phương nên chính quyền phải “mềm lòng”. Ý kiến khác lại phân tích, do nhà đầu tư khéo lobby nên uốn cong được nét vẽ. Ý khác lại đánh giá nặng hơn, cho rằng đây là do “lợi ích nhóm”…
Trở lại việc điều chỉnh quy hoạch ở Hưng Yên, khi nhìn vào những con số điều chỉnh “khủng” trong bản quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết kia thì quả là đáng lo thật. Chẳng hạn, một số lô đất như nhà ở cao tầng CT-06 và CT-21, 22, tầng cao tối đa được nâng lên từ 30 tầng lên 45 tầng; giảm diện tích đất ở từ 21,24 ha xuống 20,78 ha; điều chỉnh lô đất công cộng thành đất xây dựng công trình giáo dục và đất nhà ở thấp tầng; một số lô đất xây nhà cao tầng thành các lô đất ở cao tầng kết hợp thấp tầng…
Theo các nhà chuyên môn thì việc nhích những dấu phẩy trong mỗi bản quy hoạch là tạo thêm cho nhà đầu tư “tiền tấn” lợi nhuận. Chẳng hạn, từ công viên - công trình công cộng chuyển đổi được sang khu dân cư thì giá trị khu đất tăng lên 5 - 10 lần. Hoặc là điều chỉnh hệ số sử dụng đất tăng lên 1,5 lần, thì giá trị miếng đất tăng lên không chỉ 1,5 mà là 2,0 lần, và lợi nhuận tăng lên không phải 2,0 mà là 2,5 lần…
Thảo nào, thị trường “chạy” điều chỉnh quy hoạch lúc nào cũng nóng như núi lửa phát hỏa vậy!