(Xây dựng) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 113/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Điểm đ, Khoản 3, Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng về công tác thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và miễn giấy phép xây dựng.
Ảnh minh họa
Theo đó, thẩm quyền, nội dung, quy trình thẩm định hoặc thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở (sau đây gọi tắt là thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở) và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Điểm đ, Khoản 3, Điều 3 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 được quy định như sau: Thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Khoản 9, 10 và 11 Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/4/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng bao gồm: Hồ sơ theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 8/5/2017 quy định về các loại giấy tờ hợp pháp đất đai để cấp giấy phép xây dựng; Văn bản theo yêu cầu tại Điểm b Khoản 3, Điểm b, Khoản 5, Điểm b Khoản 6 Điều 95; Khoản 4 Điều 96 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 (nếu có).
Cơ quan chuyên môn về xây dựng có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở theo quy định tại (cơ quan thẩm định) có trách nhiệm chủ trì thẩm định các nội dung theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 Nghị định 59/2015/NĐ-CP; gửi văn bản xin ý kiến phối hợp đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 113/2020/NĐ-CP (cơ quan cấp phép xây dựng) về nội dung đánh giá việc đáp ứng các điều kiện cấp phép xây dựng của công trình xây dựng theo quy định tại các Điều 91, 92 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung tại Luật Kiến trúc số 40/2019/QH13 và kiểm tra thực địa theo quy định Khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13; tổng hợp kết quả thẩm định và ý kiến xác nhận của cơ quan cấp phép xây dựng để kết luận về điều kiện phê duyệt thiết kế xây dựng và miễn giấy phép xây dựng cho công trình;
Thời gian thẩm định và rà soát điều kiện cấp phép là thời gian thẩm định theo quy định tại Khoản 8, Điều 30 Nghị định 59/2015/NĐ-CP và thời gian thực hiện song song việc có ý kiến phối hợp của cơ quan cấp phép, tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định cụ thể như sau: Không quá 45 ngày đối với công trình xây dựng cấp I, cấp đặc biệt; Không quá 35 ngày đối với công trình cấp II và cấp III; Không quá 25 ngày đối với các công trình còn lại.
Nghị định cũng quy định quy trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở và đánh giá điều kiện cấp phép xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Nghị định 59/2015/NĐ-CP, khoản 12 Điều 1 Nghị định 42/2017/NĐ-CP và bổ sung một số nội dung.