Ngày đăng 01/12/2018 | 03:55 PM

Đoàn Công tác thuộc Ban Chỉ đạo Đề án 1961 khảo sát tình hình triển khai Đề án tại các tỉnh phía Nam

Lượt xem: 478  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Đoàn Công tác thuộc Ban Chỉ đạo Đề án 1961 khảo sát tình hình triển khai Đề án tại các tỉnh phía Nam

Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp” (gọi tắt là Đề án 1961) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/10/2010, với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam, tạo sự thống nhất và đồng đều của công tác này trên cả nước. Đề án đã đáp ứng được tính cấp thiết và khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

 Bộ Xây dựng giao Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị chủ trì thực hiện Đề án 1961. Tính đến nay, Học viện đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tổ chức được 246 khóa đào tạo bồi dưỡng theo nguồn ngân sách Trung ương; bổ sung, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho 10.065 lượt cán bộ, công chức lãnh đạo đương nhiệm, công chức đô thị các cấp trên cả nước. Với nguồn ngân sách địa phương được 80 lớp với 9.473 học viên. Các lớp tổ chức đều được áp dụng lồng ghép mô hình đào tạo của Ngân hàng Thế giới với phương pháp giảng dạy tích cực.

Ngày 1/12/2018, đoàn công tác của Ban chỉ đạo Đề án đã đến một số địa phương để kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tình hình triển khai Đề án giai đoạn 2016-2018 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2018-2020. Tham gia dự đoàn công tác thuộc Ban Chỉ đạo Đề án 1961 có Đ/C Trần Hữu Hà - Phó trưởng ban chỉ đạo Đề án, Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Bộ Xây dựng; Đ/C Trần Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật đô thị, Bộ Xây dựng; Đ/c Trần Thanh Cương - Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - Ban tổ chức trung ương,; Đ/C Đặng Thị Hải Yến- Phó Vụ Trưởng Pháp chế, Bộ Xây dựng. Về phía địa phương có Đ/C Nguyễn Thị Minh Thúy - Giám đốc Sở Xây dựng An Giang, Đ/C Lê Hà Luân - Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp, Đ/C Trương Long Hồ - Phó giám đốc Sở Nội vụ An Giang, Đ/C Mai Thanh Minh - Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang cùng một số đại diện tại địa phương.

Qua khảo sát, ý kiến của địa phương đều cho rằng việc tham gia các lớp ĐTBD theo Đề án 1961 rất hữu ích cho công tác thực tế của cán bộ tại địa phương. Đa phần các ý kiến đóng góp tại địa phương đều đánh giá Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp” có ý nghĩa thực tiễn cao. Chất lượng đội ngũ cán bộ, hiệu quả triển khai công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị ở địa phương đã có nhiều sự thay đổi tích cực sau khi cán bộ lãnh đạo, chuyên môn được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, một số cán bộ được đào tạo đã chuyển vị trí công tác, do vậy, cần triển khai nhiều khóa đào tạo bồi dưỡng trong những năm tiếp theo tại địa phương.

Mặt khác, nguồn kinh phí của Tỉnh còn hạn chế nên chưa tổ chức được nhiều lớp, đặc biệt là các lớp đối tượng 4,5,8; nhiều UBND các thành phố, huyện chưa thực sự quan tâm đến công tác ĐTBD; các lớp ĐTBD do tỉnh tổ chức chủ yếu dành cho đối tượng cấp xã. Do đó, trình độ chuyên môn nhận thức, kỹ năng của cán bộ chưa đồng đều nên ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức và vận dụng vào thực tiễn tại địa phương.

Ý kiến của đoàn kiểm tra cho rằng việc luân chuyển cán bộ là thường xuyên, đề nghị Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho công tác ĐTBD cán bộ của địa phương; Chương trình dành cho đối tượng 8 của địa phương cần phối hợp với chương trình đào tạo theo Đề án 1956 (nay là Đề án 1600) vì đối tượng đa phần đều là công chức Địa chính – Xây dựng – Môi trường; Đối với Đối tượng 3,6 đề nghị Sở Xây dựng, Sở Nội vụ phối hợp lập danh sách trình ủy ban để cử cán bộ đi học; Tăng cường ĐTBD cho đối tượng 7 vì đây là đối tượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ; Đối với giảng viên nguồn do các cán bộ đều kiêm nhiệm nên việc tự ĐTBD cho địa phương là chưa đáp ứng được. Do đó, đề nghị phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị để giảng viên của Học viện tham gia giảng dạy, giảng viên của địa phương phổ biến kinh nghiệm thực tế; Ngoài NSTW cấp cho ĐTBD Đề án 1961, đề nghị địa phương quan tâm cấp ngân sách ĐTBD cho một số đối tượng thuộc địa phương chịu trách nhiệm.

Kết luận của đoàn kiểm tra đề nghị Sở Nội vụ các địa phương hỗ trợ, phối hợp với Sở Xây dựng rà soát lại đối tượng để có kế hoạch ĐTBD 2019, 2020; Lớp đối tượng 4,5,6,8 đề nghị Sở Xây dựng xây dựng kế hoạch gửi Sở Nội vụ tập hợp để trình UBND xem xét cấp kinh phí; Đối với các đối tượng đã phân theo quy định của Đề án là bắt buộc (đối tượng 2,3) đề nghị Sở Nội vụ phối hợp với Sở Xây dựng trong công tác chiêu sinh triệu tập học viên, trường hợp không đủ học viên có thể kết hợp với một số tỉnh lân cận để triển khai. Để hướng tới hoàn thành mục tiêu 100% cán bộ lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp đương nhiệm được đào tạo, bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị cần có sự đóng góp nhiệt tình hơn nữa tại các địa phương. Trong thời gian tới, địa phương cần xây dựng kế hoạch từ cuối năm trước, đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Xây dựng và Sở Nội vụ nhằm triển khai được tốt hơn các khóa đào tạo bồi dưỡng, khẳng định thành công của Đề án, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Xây dựng, sự nỗ lực thực hiện nghiêm túc của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, sự phối hợp nhiệt tình của các Bộ ngành liên quan và các địa phương trên cả nước, góp phần giải quyết những thách thức lớn mà quá trình đô thị hóa mang lại.

Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị
Lượt xem: 478  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207