Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và quản lý đô thị của đội ngũ cán bộ các cấp phải được coi là nhiệm vụ cấp bách để đáp ứng tốc độ đô thị hoá rất nhanh như hiện nay tại Việt Nam.
Đó cũng là quan điểm chung của Bộ Xây dựng cũng như lãnh đạo các địa phương và giới chuyên gia về đô thị tại Hội nghị Đánh giá 5 năm thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015” (gọi tắt là Đề án 1961), do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.
Những kết quả khả quan
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Đề án 1961 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo văn bản số 1961/NĐ-CP ngày 25/10/2010 nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu cấp thiết phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giỏi về chuyên môn, nắm vững quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị Việt Nam. Bộ Xây dựng được Chính phủ giao là đầu mối chủ trì thực hiện Đề án.
Sau gần 5 năm triển khai, Đề án đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp của nước ta.
Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị được Bộ Xây dựng giao chủ trì phối với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ để xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp bồi dưỡng, đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy và học có chất lượng…
Đến nay, Học viện đã triển khai thực hiện được 142 khóa đào tạo, bồi dưỡng trên khắp cả nước với sự tham gia của 9.316 học viên. Phần lớn các học viên tham dự khóa học đánh giá cao về tính hữu ích, thực tiễn của khóa học và đã giúp ích rất nhiều cho họ trong quá trình công tác ở địa phương.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hà, tính đến tháng 10/2015, có 8 bộ chương trình, 6 bộ tài liệu đã được ban hành và đưa vào sử dụng. Đội ngũ giảng viên của Đề án đã được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức và phương pháp giảng dạy các chương trình này. Gần 50% công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình của Đề án đã phát huy được năng lực và kiến thức sau khóa học, phục vụ tại địa phương.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng quá trình triển khai thực hiện vẫn chưa hoàn đạt được một số mục tiêu Đề án đề ra như: 100% công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị… Nguyên nhân là do có nhiều yếu tố phát sinh chưa được tính tới từ ban đầu của quá trình.
Theo Thứ trưởng, trong giai đoạn 2015 - 2020, vẫn còn một số lượng lớn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên môn về quản lý xây dựng và phát triển đô thị các cấp cần thiết phải đào tạo mới, đào tạo lại, bổ sung các kiến thức, kỹ năng cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới…
Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Đề án 1961
Góp ý cho Hội nghị, ông Trương Quang Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng: Cần Thơ là TP trẻ nên vấn đề đào tạo cán bộ rất quan trọng. 10 năm phát triển, TP đã tạo được những thành tựu nhất định và đang tiếp tục vươn lên thành đô thị văn minh hiện đại hơn xứng tầm đô thị trung tâm của khu vực.
Song thực tế cũng cho thấy việc thực hiện Đề án còn khó khăn như giáo viên thiếu kinh nghiệm, việc mời giáo viên từ Hà Nội về giảng dạy rất khó. Mặt khác, theo quy định, đối tượng đào tạo thu hẹp chỉ cho Sở Xây dựng nhưng vai trò nhân sự các Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Sở Quy hoạch Kiến trúc trong quản lý đô thị cũng rất quan trọng…
Ông Nam nhận định: Giáo trình Đề án còn chung chung, không có tính đặc thù. Trong khi đô đó, thị Cần Thơ là đô thị sông nước, khác nhiều với đô thị đồng bằng, miền núi nên cần thêm tài liệu chuyên sâu. “Tôi cũng xin đề nghị kéo dài thời gian đào tạo liên tục, thường xuyên vì cán bộ địa phương luân chuyển thường xuyên” - ông Nam kiến nghị.
Còn theo đại diện lãnh đạo TP HCM, TP đã tổ chức được 26 lớp theo chương trình của bộ, của học viện. Số cán bộ học là 2.826 trên tổng số 3.490 cán bộ có nhu cầu. Kết quả cho thấy năng lực, nhận thức kiến thức của cán bộ được nâng lên và công tác quản lý đô thị có chuyển biến.
Vị đại diện lãnh đạo TP HCM nêu ý kiến: Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thêm, cập nhật, kiến thức mới, chuyên sâu nghiên cứu đô thị địa phương, thiếu kinh nghiệm thực tế tại TP.HCM; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ giảng viên người địa phương tham gia.
Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) ghi nhận: Chính phủ Việt Nam và Bộ Xây dựng cam kết mạnh mẽ và hỗ trợ chương trình này. Bên cạnh đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM thì ở đô thị nhỏ, trung bình, việc quản lý đô thị khác nhau, cần nhân sự trình độ khác nhau. Chính phủ cần có tầm nhìn hiệu quả. Kinh nghiệm quốc tế của một số nước là chuyên biệt hoá quản lý đô thị được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chính phủ và Học viện. Các cán bộ lãnh đạo địa phương, sở, ban, ngành chuyên biệt phải học các khóa học này để bắt buộc họ phải có năng lực và trách nhiệm trong công việc.
“Học viện sẽ xây dựng chương trình dài hạn, WB sẽ hỗ trợ trong tương lai ngắn hạn, đưa các chương trình, kinh nghiệm quốc tế vào đào tạo tại Việt Nam. WB tiếp tục hỗ trợ học viện trong các trường hợp cụ thể, tạo mối quan hệ giữa Học viện với các học viện tương tự tại các quốc gia khác” - đại diện WB cam kết.
Ông Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình UN-Habitas thì khuyến nghị: Đề án 1961 đối mặt với vấn đề toàn cầu nên có thể sử dụng tài liệu, kinh nghiệm của toàn cầu để tiết kiệm chi phí đào tạo, đồng thời tăng tính tương tác giữa người giảng và người học thông qua ví dụ thực tiễn và sự hỗ trợ của khoa học công nghệ…
Tăng cường đào tạo trong nước
Chỉ đạo công tác tổng kết Đề án 1961, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương các bên tham gia đề án để chương trình đạt được kết quả ban đầu.
Theo Phó Thủ tướng, đô thị hóa là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển, do vậy Chính phủ xây dựng đề án 1961 đặt trọng tâm vào mục tiêu nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý ở cả nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và quản lý đô thị.
Trước cảnh báo về sự yếu kém trong công tác quản lý đô thị, Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam phải coi việc hoá giải những thách thức là nhiệm vụ cấp bách, cần có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng “Tận dụng lợi thế người đi sau, tăng cường giao lưu với các trường, các hiệp hội, các tổ chức ở các nước có nét tương đồng, cập nhật đi tắt đón đầu. Tập trung đào tạo trong nước, hạn chế đào tạo ở nước ngoài do điều kiện kinh phí hạn hẹp. Tăng cường giảng viên từ ngành kinh tế sang, cán bộ quản lý, giảng viên các trường lãnh đạo DN, họ có va chạm thực tiễn nhiều nhất.
Phó Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng và các đại biểu tại Hội nghị về vấn đề kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến năm 2020, phù hợp với giai đoạn 5 năm 2015 - 2020, nhằm đạt được mục tiêu 100% cán bộ được đào tạo và đào tạo mới với cán bộ mới.
Ninh ToànNguồn: Báo XD điện tử 21:10 | 24/10/2015