Việt Nam đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tính đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đạt 35,5%, cả nước có 779 đô thị, khu vực đô thị đóng góp trên 70% GDP và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của các địa phương, các vùng miền. Bên cạnh những thành tựu phát triển đô thị đã đạt được, quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức và còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải giải quyết theo hướng cách tân, đổi mới .
Với mong muốn góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam, sáng 20/10/2015, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC/Học viện) đã phối hợp với Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN - Habitat) và Đại học Portland State (Hoa Kỳ) tổ chức Tọa đàm “Lãnh đạo và cách tân đô thị”. TS. Trần Hữu Hà - Giám đốc Học viện đã tham dự Lễ khai mạc và phát biểu chào mừng.
Tham gia Tọa đàm còn có TS. Phạm Văn Bộ - Phó Giám đốc Học viện, TS. Nguyễn Quang - Đại diện UN - Habitat Việt Nam, TS. Marcus Ingle - Đại diện Đại học Portland State, ông Tom Hughes - Giám đốc Metro vùng Oregon (Hoa Kỳ) cùng đại diện của Liên minh các Đô thị (CA) và một số cán bộ - giảng viên Học viện, Đại học Portland State. Đại diện một số cơ quan thông tấn, báo chí cũng có mặt tham dự và đưa tin.
Nội dung buổi Tọa đàm xoay quanh một số chủ đề như: Thách thức và thực tế Việt Nam về cách tân đô thị; Đổi mới lãnh đạo đô thị; Một số vấn đề đổi mới trong quản trị vùng.
Từ thực tiễn và ý kiến học viên các Khóa đào tạo thí điểm “Nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh theo Đề án 1961” do Học viện phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đầu tháng 10/2015, TS Phạm Văn Bộ - Phó Giám đốc AMC đã nêu lên những thách thức trong cách tân đô thị Việt Nam hiện nay: các khó khăn về nguồn nhân lực, các khó khăn về tài chính, các khó khăn về cơ chế chính sách. Bên cạnh đó, TS. Bộ cũng đề xuất những định hướng chủ yếu trong cách tân đô thị về kinh tế, về hạ tầng và về quản trị.
Tại buổi Tọa đàm này, TS. Nguyễn Quang - diễn giả đến từ UN - Habitat, cho rằng, trong thế giới đương đại, quá trình đô thị hóa đang diễn ra chủ yếu ở các nước đang phát triển với nhu cầu lớn về các nguồn lực. Tuy nhiên, những nước này, trong đó có Việt Nam, chưa có đủ các nguồn lực đó, vì thế, để phát triển cần có cách tiếp cận mới - cần nâng cao năng lực quản trị và quản trị một cách sáng tạo. Mặt khác, cần bảo đảm tính minh bạch trong quản trị đô thị, biết lắng nghe các ý kiến trái chiều, biết phát huy sáng kiến cộng đồng đô thị vv...
Về vấn đề quản trị vùng, ông Tom Hughes - Giám đốc Metro vùng Oregon (Hoa Kỳ) cho biết, kinh nghiệm nổi bật trong quản trị vùng là cần có tầm nhìn dài hạn, có sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp dân cư trong công tác quy hoạch; cần quy định ranh giới và triệt để tuân thủ ranh giới các khu vực phát triển đô thị đã được hoạch định.
Tại buổi Tọa đàm này, Ban Tổ chức cũng dành thời lượng thích đáng để các đại biểu trao đổi thảo luận theo nhóm về các vấn đề đã được các diễn giả Việt Nam và Quốc tế trình bày để từ đó rút ra những bài học về cách tân đô thị mà mỗi quốc gia có thể áp dụng.
Sau nửa ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, lắng nghe và chia sẻ, buổi Tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp. Các đại biểu tham dự Tọa đàm đều chung quan điểm, cách tân đô thị là một quá trình tất yếu khách quan, nhất là đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nơi tiến trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Lãnh đạo các đô thị Việt Nam cần quan tâm, vận dụng những kinh nghiệm và bài học về cách tân đô thị./.
Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị