Ngày đăng 05/10/2015 | 03:09 PM

Nâng cao năng lực quản lý đô thị cho lãnh đạo các địa phương

Lượt xem: 469  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Nâng cao năng lực quản lý đô thị cho lãnh đạo các địa phương

Hệ thống đô thị ở Việt nam phát triển nhanh về quy mô nhưng còn thiếu sự đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. 

Nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho lãnh đạo các địa phương là mục tiêu chính của khóa đào tạo do Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện từ ngày 5 - 9/10. 

Đây cũng là nội dung của Đề án 1961 - “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010-2015” nhằm nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam; tạo sự thống nhất, đồng đều trên toàn quốc. 

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy, khu vực đô thị thường xuyên đóng góp khoảng 70% nguồn thu ngân sách Nhà nước, đã và đang khẳng định vai trò, vị thế là động lực thúc đẩy tăng trưởng chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của các địa phương và vùng miền trong cả nước.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, thách thức và còn nhiều vấn đề tồn tại cần phải giải quyết.

Hệ thống đô thị phát triển nhanh về quy mô nhưng còn thiếu sự đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Một số dự án đô thị phát triển theo quy hoạch nhưng chưa có kế hoạch… dẫn đến đầu tư dở dang, lãng phí tài nguyên đất đai, tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản.

Nhiều địa phương chỉ chú trọng mở rộng quy mô mà chưa quan tâm đến nâng cao chất lượng đô thị, thiếu nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng…

Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách, huy động các nguồn lực thì một trong những điểm mấu chốt góp phần thúc đẩy phát triển đô thị bền vững đó là nguồn lực con người. 

Giám đốc AMC Trần Hữu Hà nhận xét, trên thực tế, nhiều nơi, bộ máy quản lý của chính quyền đô thị các cấp hoạt động kém hiệu quả. Mặc dù đã qua nhiều lần kiện toàn, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ nhưng việc buông lỏng công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng vẫn xảy ra.

Bởi vậy, thông qua việc đào tạo này sẽ giúp nâng cao nhận thức từ chính những người làm công tác quản lý đô thị. Trong đó, một số lớp đã được thí điểm áp dụng lồng ghép mô hình đào tạo của Ngân hàng Thế giới với phương pháp giảng dạy tích cực. 

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho biết sẽ nỗ lực giúp đỡ các đô thị Việt Nam trong vấn đề này, nhất là việc chia sẻ kinh nghiệm qua các bài học thành công từ nhiều đô thị tiên tiến trên thế giới.

Theo yêu cầu quản lý xây dựng và đô thị theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đòi hỏi đội ngũ công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp phải tinh thông nghiệp vụ, có năng lực quản lý xây dựng và đô thị./. 

Thu Hằng
Nguồn: bnews.vn/ngày 05/10/2015

Lượt xem: 469  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207