Từ đầu năm đến nay, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm Cải thiện môi trường đầu tư và triển khai các hoạt động nhằm nâng xếp hạng chỉ số B1 năm 2020.
Ảnh minh họa
Để triển khai nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1), UBND thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020. Đồng thời tập trung thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm các loại chi phí không cần thiết, tiết giảm đến mức thấp nhất chi phí tuân thủ cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính; rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính của các cấp; kiểm soát chặt chẽ thủ tục hành chính trong dự thảo quyết định công bố thủ tục hành chính; thẩm định, đánh giá tác động của thủ tục hành chính được quy định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND Thành phố; triển khai kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến 2025, tầm nhìn đến 2030.
Bên cạnh đó đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố năm 2020. Tiếp tục duy trì nâng cao chỉ số cải cách hành chính năm 2020 và các năm tiếp theo của Hà Nội.
Hỗ trợ pháp lý tối đa cho doanh nghiệp
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, Thành phố đã giao nhiệm vụ cho Sở Tư pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong đó tập trung chủ yếu đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; đa dạng hóa các loại hình hỗ trợ như tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ pháp lý trên truyền hình, internet, thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật với các nội dung cụ thể: xây dựng các chương trình, kế hoạch về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng phát sóng các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp trên đài phát thanh, truyền hình Hà Nội; tổ chức tập huấn theo chuyên đề kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp các lĩnh vực: quyết toán thuế, lao động, kinh doanh....; thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử.
Về cải cách TTHC, Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn hóa TTHC, kiểm soát việc công bố TTHC. Tính đến ngày 29/5/2020, tổng số TTHC của toàn Thành phố là 1.808 TTHC trong đó, cấp Sở là 1.487 TTHC; cấp huyện là 219 TTHC và cấp xã là 102 TTHC. 100% các TTHC của Thành phố đều được thực hiện tại Bộ phận một cửa. Tổng số TTHC đã triển khai DVC trực tuyến mức độ 3, 4 là 1.501/1.659 TTHC, đạt 91%, trong đó, 1.113 DVC trực tuyến mức 3 và 388 DVC trực tuyến mức 4. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng Dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử Thành phố đạt hơn 169.177 hồ sơ. Số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến cấp Sở là 17.939; số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến cấp huyện là 16.064; số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến cấp xã là 135.174. Thành phố đã tích hợp ứng dụng biên lai điện tử, dịch vụ bưu chính công ích trên hệ thống. Tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, cấp phép đầu tư qua mạng đạt 73%.
6 tháng đầu năm 2020, UBND Thành phố đã ban hành 14 Quyết định công bố thủ tục hành chính và 20 Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, đề xuất các mô hình thực hiện TTHC hiệu quả, đơn giản mang lại lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước và công dân trong việc thực hiện các TTHC.
Thành phố cũng đã ban hành Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 21/01/2020 kiểm tra hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2020 trên địa bàn thành phố; rút ngắn từ 30%-50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử. 90% các cuộc họp của UBND Thành phố diện rộng đến Sở, ban, ngành, quận, huyện và cấp xã thực hiện trực tuyến; 80% các cuộc họp giữa các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã diện rộng đến cấp xã thực hiện trực tuyến. Từng bước phấn đấu hoàn thiện, duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó tối thiểu 35% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4…
Khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng cải cách TTHC
Theo Phó Chủ tịch UBDN TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, để nâng cao chất lượng cải cách TTHC, Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của công chức, đặc biệt là công chức làm việc tại bộ phận một cửa, đề cao tính chuyên nghiệp, sự phục vụ của công chức đối với người dân, tổ chức, trên cơ sở lấy sự hài lòng của người dân làm một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức trong năm 2020.
Do việc triển khai các nhiệm vụ giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1 còn thiếu các văn bản pháp quy quy định cụ thể (từ luật, nghị định, thông tư...) nên việc triển khai thực hiện trên địa bàn còn gặp phải khó khăn. Kết quả triển khai một số nhiệm vụ còn thiếu đồng bộ, hạn chế nhất định về chất lượng, nhất là đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, điều kiện bảo đảm thi hành pháp luật nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật còn nhiều khó khăn về kinh phí, biên chế, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khai thác thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Thủ tục hành chính của các cơ quan Trung ương thường xuyên thay thế, sửa đổi, bổ sung gây nhiều khó khăn cho việc rà soát, triển khai thực hiện. Nhiều nội dung thủ tục hành chính chưa rõ ràng nên khó khăn cho việc áp dụng trong thực tiễn thi hành.
Doanh nghiệp chưa chủ động trong việc phản ánh, kiến nghị khi gặp khó khăn đến các cơ quan chức năng để xem xét giải quyết.
Ngoài ra, việc công bố thủ tục hành chính của một số Bộ, ngành còn chưa kịp thời, cập nhật chưa đầy đủ và thiếu chính xác lên Cổng Dịch vụ công quốc gia...
Để khắc phục một số khó khăn kể trên, TP. Hà Nội đã kiến nghị Bộ Tư pháp rà soát và hoàn thiện tài liệu, tổ chức tập huấn, hướng dẫn để bảo đảm các Bộ, cơ quan, địa phương có cách hiểu đúng, đầy đủ, thống nhất về mục tiêu các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, mẫu biểu báo cáo thực hiện nhiệm vụ giải pháp để giảm chi phí tuân thủ pháp luật, nâng xếp hạng chỉ số B1.
Các Bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC bảo đảm thống nhất, đồng bộ, nội dung thủ tục rõ ràng dễ áp dụng, kịp thời công bố đầy đủ các thủ tục hành chính nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho tổ chức và công dân. Tăng cường tổ chức thi hành pháp luật hướng đến ngày cảng giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp; rà soát, đánh giá, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến chi phí tuân thủ pháp luật, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về việc quản lý, triển khai nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật trong đó cần quy định cụ thể về nội dung, cách thức, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị trong việc triển khai thực hiện.
Chi phí tuân thủ pháp luật (TTPL) được hiểu là các chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của PL gồm: Chi phí hành chính; chi phí đầu tư để tuân thủ quy định; phí, lệ phí; chi phí rủi ro pháp lý (nếu có); chi phí không chính thức.
Chỉ số chi phí TTPL (gọi tắt là chỉ số B1) là một trong những chỉ số nằm trong mục Quản trị theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) được thể hiện thông qua chỉ số: “Burden of government regulation”. Chỉ số B1 có thể được hiểu là chỉ số tổng hợp ý kiến cảm nhận (thông qua trả lời câu hỏi khảo sát) về mức độ tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tuân thủ những quy định của pháp luật.