Ngày đăng 30/11/2019 | 10:12 AM

Lịch sử, ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Lượt xem: 534  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 có một lịch sử khá đặc biệt, vừa có tính quốc tế, tính dân tộc, vừa mang đặc trưng của nhà giáo, của ngành giáo dục và cũng là ngày hội của toàn dân.

I- Lịch sử ngày Nhà giáo Việt Nam


1. Lịch sử ra đời ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 gắn liền với lịch sử của tổ chức giáo giới tiến bộ trên thế giới.

Tháng 7/1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - FISE).

Năm 1949 tại hội nghị ở Vác-xa-va thủ đô Ba Lan, Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục xây dựng một bản Hiến chương các nhà giáo.

Tháng 7/1953 Công đoàn giáo dục Việt Nam được gia nhập tổ chức giáo giới quốc tế này.

Tháng 8/1954 tổ chức công đoàn của các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các nhà giáo”, gồm 15 chương trong đó có một số nội dung chủ yếu là:

 - Đấu tranh chống lại các quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học.

- Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của các nhà giáo.

- Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao nghề dạy học.

Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Vác-xa-va thủ đô Ba Lan, hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 đã quyết định lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày “Hiến chương các nhà giáo”

2. Ở Việt Nam, ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày “Quốc tế Hiến chương các nhà giáo” được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Đất nước thống nhất, ngày 20/11 đã được tổ chức rộng rãi trong cả nước và dần dần trở thành ngày truyền thống của giáo giới Việt Nam.

Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ giáo viên, cũng như nêu rõ vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng CNXH và phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo; theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT ngày 28/9/1982 nêu rõ: “hàng năm sẽ lấy ngày 20 tháng 11 là ngày Nhà giáo Việt Nam”.

Như vậy, ngày 20/11/1982 là ngày lễ kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam được tổ chức trọng thể đầu tiên của cả nước ta.

II. Ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

1. Từ xưa đến nay, nghề dạy học luôn được nhân dân quý trọng và yêu mến. Với truyền thống trọng thầy, hiếu học của dân tộc và dưới sự lãnh đạo của Đảng, giáo dục và đào tạo nước ta đã từng bước được khẳng định, phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, phát triển đất nước. Những thành tựu mà ngành giáo dục và đào tạo đạt được chính là nhờ lớp lớp thầy giáo, cô giáo của bao thế hệ đã tận tình, tâm huyết với nghề, tạo nên những truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam để chúng ta học tập và phát huy như: Nhà giáo Việt Nam luôn gắn bó và liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân; những nhà giáo chân chính Việt Nam giàu lòng nhân ái, vị tha, tận tụy với sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ của đất nước; những nhà giáo chân chính Việt Nam bao giờ cũng là người yêu nước, những chiến sĩ cách mạng kiên cường, luôn có cuộc sống giản dị, trong sáng, mẫu mực; những nhà giáo chân chính Việt Nam luôn cần cù, sáng tạo trong lao động dạy học…

Lịch sử nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã ghi nhận lớp lớp nhà giáo ngày đêm tận tụy với nghề, lao động sáng tạo, quên mình và nhiều thầy giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân đem ánh sáng văn hóa cho đồng bào vùng cao, vùng xa. Họ là những anh hùng vô danh.

2. Tìm hiểu và học tập những truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam, nhằm giúp cho đội ngũ thầy cô giáo tiếp tục phát huy những truyền thống của Nhà giáo, không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, để mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng và nhân dân, tiếp tục đóng góp công sức và trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ CNH, HĐH đất nước.

Ôn lại truyền thống nhà giáo Việt Nam để giúp mỗi thầy cô giáo tăng cường lòng thiết tha yêu nghề dạy học, thực hiện đúng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhà giáo: Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình, thật thà yêu trường mình; có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng CNXH và CNCS. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo -  là người vẻ vang nhất… Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh và mãi mãi là niềm tự hào về truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam.

III- Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Học viện/AMC) là một đơn vị sự nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, hoạt động trên phạm vi cả nước trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu, tư vấn về tổ chức và quản lý của ngành Xây dựng.

Từ tổ chức tiền thân là Trường Quản lý kinh tế xây dựng (thành lập ngày 11/7/1975) trải qua các thời kỳ kiện toàn bộ máy và thay đổi tổ chức, Trường được thành lập lại theo Quyết định số 71/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ mang tên Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngành Xây dựng.

Ngày 04/02/2008, theo Nghị định số 17/2008/NĐ-CP của Chính phủ và theo Quyết định số 468/QĐ-BXD ngày 02/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Trường được nâng cấp thành Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, tên giao dịch tiếng Anh là Academy of Managers for Construction and Cities.

Theo Quyết định số 998/QĐ-BXD ngày 09/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Học viện có các chức năng:

- Tổ chức ĐTBD cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng, cán bộ chính quyền đô thị các cấp, cán bộ, công chức viên chức tham gia quản lý và hoạt động xây dựng và các chức danh khác theo quy định của pháp luật;

- Tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật ngành Xây dựng;

- Tổ chức nghiên cứu và ứng dụng các cơ chế chính sách, tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, khoa học quản lý trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng.

Qua hơn 44 năm xây dựng và phát triển, đến nay Học viện đã khẳng định được uy tín và thương hiệu trong lĩnh vực ĐTBD cán bộ cho ngành Xây dựng, các bộ - ngành khác và cho hệ thống chính quyền địa phương vv... Ngày đầu mới thành lập, mỗi năm Học viện chỉ tổ chức được trên dưới mười lớp với vài trăm học viên, bao gồm một vài loại hình, với hình thức duy nhất là đào tạo trong nước và trong giờ hành chính tại trụ sở Học viện.

Cho đến nay, hàng năm Học viện đều tổ chức đào tạo được trên 200 lớp với khoảng 20 nghìn học viên thuộc khoảng 30 loại hình đào tạo như: ĐTBD quản lý Nhà nước về xây dựng cho cán bộ, công chức chính quyền địa phương; ĐTBD cán bộ, công chức trong hệ thống; ĐTBD đáp ứng điều kiện, năng lực hoạt động xây dựng; ĐTBD chuyên môn nghiệp vụ khối doanh nghiệp; ĐTBD về ngoại ngữ; phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nâng cao trình độ lý luận chính trị,đối với cán bộ, công chức viên chức trong và ngoài ngành Xây dựng; thực hiện hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế về các lĩnh vực hoạt động của Học viện…

Với phương châm đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đáp ứng tối đa nhu cầu của học viên cũng như của các địa phương, đơn vị. Học viện đã, đang triển khai các hình thức học trong, ngoài giờ hành chính tại Học viện và ở các địa phương - đơn vị; kết hợp học tập trong nước và nước ngoài với tham quan thực tế v.v... Học viện hiện có cơ sở vật chất - kỹ thuật - hậu cần đáp ứng mọi nhu cầu đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Ngành và của các địa phương, đơn vị.

Công tác nghiên cứu khoa học luôn được Học viện quan tâm. Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học đã góp phần tạo dựng hệ thống dữ liệu, làm nền tảng cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng. Mặt khác, kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học còn góp phần xây dựng hệ thống chương trình, tài liệu đáp ứng nhu cầu triển khai các loại hình đào tạo bồi dưỡng của Học viện, đồng thời tạo cơ sở để Học viện tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của ngành Xây dựng.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, viên chức Học viện đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Học viện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, các Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba cùng nhiều Cờ, Bằng khen, Giấy khen của Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ban, ngành ...; nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng các phần thưởng và danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, danh hiệu Nhà giáo ưu tú… Điều này càng khẳng định uy tín, chất lượng và vai trò của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Xây dựng.

 

Trung tâm thông tin và Tạp chí AMC
Lượt xem: 534  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207