Ngày đăng 12/07/2019 | 04:11 PM

Bộ Xây dựng họp bàn kế hoạch lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia

Lượt xem: 529  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Ngày 9/7, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp bàn về Kế hoạch tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp.

Mở đầu cuộc họp, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Tường Văn đã báo cáo Dự thảo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


 
Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Tường Văn đã báo cáo Dự thảo quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.

Báo cáo tập trung vào các nội dung: Sự cần thiết và căn cứ lập quy hoạch; nội dung Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn theo Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Quy hoạch, văn bản pháp luật có liên quan...; yêu cầu lập Nhiệm vụ quy hoạch; bố trí nguồn dự toán kinh phí...

Bộ Xây dựng sẽ đóng vai trò cơ quan tổ chức lập Quy hoạch, Cục Phát triển đô thị giữ vai trò cơ quan lập Quy hoạch và cơ quan tư vấn là Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP).

Về tiến độ, Cục Phát triển đô thị dự kiến sẽ trình Nhiệm vụ lập quy hoạch lên Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2019. Sau khi Nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, Bộ Xây dựng sẽ có tối đa 24 tháng để hoàn tất việc phê duyệt Quy hoạch theo Nghị định số 37/2019/NĐ-CP.
 


Bộ Xây dựng đã tổ chức họp bàn về Kế hoạch tổ chức lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà lại đánh giá Đề cương kế hoạch trình bày chưa mạch lạc, cần phải sửa đổi với 3 phần chính là mục đích và yêu cầu của kế hoạch, nội dung công việc chính và tiến độ thực hiện và cuối cùng là khâu tổ chức thực hiện.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò hết sức quan trọng, tổng hợp các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở 2 khu vực đô thị và nông thôn. Chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị tất cả các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng chủ động tham gia phối hợp chặt chẽ và sáng tạo để hoàn thành tốt Quy hoạch này. Đối với cơ quan tư vấn, Bộ trưởng đề nghị VIUP tìm kiếm một số cơ quan tư vấn khác ở trong lẫn ngoài nước để phối hợp và báo cáo với Bộ Xây dựng.

Về khung định hướng, Bộ trưởng yêu cầu Cục Phát triển đô thị bắt buộc phải xây dựng khung định hướng dựa trên cơ sở các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định của BCH Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; quy định pháp luật hiện hành; tổng kết các chiến lược, định hướng phát triển đô thị - nông thôn; Đề cương chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm; Đề án đổi mới lý luận và phương pháp luận về phát triển đô thị và quy hoạch...

Về tiến độ lập quy hoạch, Bộ trưởng đồng tình với đề xuất của Cục Phát triển đô thị về thời gian phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch vào tháng 12/2019, nhưng có đề nghị đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Quy hoạch trước thời gian tối đa được quy định ở Nghị định số 37/2019/NĐ-CP. Cụ thể, Bộ trưởng mong muốn Quy hoạch được Thủ tưởng Chính phủ phê phê duyệt vào tháng 4/2021, hoặc chậm nhất là tháng 6/2021.

Trước mắt, Cục Phát triển đô thị sẽ trình Dự thảo cho Bộ trưởng trong tuần này, trình Kế hoạch vào tuần sau khi đã lấy ý kiến đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị khác.
 


Viện trưởng VIUP Lưu Đức Cường đóng góp ý kiến cho Dự thảo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia.

Sau khi Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu chỉ đạo, đại diện các Cục, Vụ đã đóng góp ý kiến để xây dựng Dự thảo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia. Bộ trưởng đề nghị Cục phát triển đô thị và VIUP nghiêm túc tiếp thu, đồng thời khẳng định việc lập Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia là một nhiệm vụ rất khó khăn, cần lấy ý kiến đóng góp của nhiều đơn vị để chỉnh sửa, hoàn thiện tốt hơn nữa để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 529  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207