Ngày đăng 26/04/2019 | 10:56 AM

Tăng cường kiểm soát, giữ ổn định thị trường bất động sản

Lượt xem: 521  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Chiều 8/4, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2019. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì cuộc họp. Cùng dự có lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ Xây dựng.


Toàn cảnh buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, Bộ Xây dựng đã cung cấp thông tin về tình hình kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm 2019 và thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Đảm bảo sự ổn định của thị trường bất động sản

Đây là một trong những giải pháp được Bộ Xây dựng triển khai nhằm bảo đảm sự ổn định, tăng trưởng bền vững, hiệu quả, không để xảy ra các biểu hiện cực đoan.

Thị trường nhà ở và bất động sản (BĐS) trong quý I/2019 nhìn chung tăng nhẹ nhưng không có biến động nhiều. Tại TP Hà Nội: Giá căn hộ chung cư quý I/2019 giảm khoảng 0,03% so với quý IV/2018 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 1,01% so với quý IV/2018, căn hộ trung cấp giá giảm khoảng 0,17% so với quý IV/2018, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,73% so với quý IV/2018). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 3,01% so với quý IV/2018.

Tại TP Hồ Chí Minh: Giá căn hộ chung cư quý I/2019 tăng (khoảng 3,84%) so với quý IV/2018 (trong đó đối với phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 3,7% so với quý IV/2018, căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 3,76% so với so với quý IV/2018, căn hộ bình dân giá tăng khoảng 4,12% so với quý IV/2018). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng (khoảng 5,25%) so với quý IV/2018.

Đồng thời, Bộ Xây dựng tiếp tục kiểm soát, thúc đẩy thị trường vật liệu xây dựng phát triển ổn định, đảm bảo cân đối cung cầu, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu nội địa, từng bước đẩy mạnh xuất khẩu, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên.

Thị trường vật liệu xây dựng trong những tháng đầu năm 2019 không có nhiều biến động. Cân đối cung cầu thị trường vật liệu tiếp tục được đảm bảo, ước tính tiêu thụ xi măng 3 tháng đầu năm đạt 20,7 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tiêu thụ trong nước ước khoảng 12,5 triệu tấn, xuất khẩu ước khoảng 8,2 triệu tấn.

Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành có những điều chỉnh kịp thời để đảm bảo có đủ nguyên liệu cho các nhà máy xi măng hoạt động ổn định và sử dụng hợp lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án xây dựng; rà soát, tổng hợp các quy hoạch sản phẩm thuộc lĩnh vật liệu xây dựng và các vấn đề phát sinh trong công tác quản lý Nhà nước sau khi các quy hoạch sản phẩm thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng hết hiệu lực ngày 31/12/2018; đề xuất một số giải pháp quản lý thay thế cho quy hoạch sản phẩm vật liệu xây dựng khi hết hiệu lực theo quy định của Luật Quy hoạch và đã báo cáo Thủ trướng Chính phủ tại văn bản số 240/BXD-VLXD ngày 31/02/2019.

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai “Chiến lược phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050”; Đề án nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến 2025 theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc các địa phương thực hiện đúng lộ trình xóa bỏ lò gạch, lò vôi thủ công tại các địa phương, tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung.

Tiếp tục triển khai Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế Nhà nước về xây dựng

Trong 3 tháng đầu năm 2019, Bộ Xây dựng đã hoàn thành báo cáo tình hình thi hành Luật Xây dựng và Báo cáo đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xây dựng; đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Xây dựng; đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung vào Chương trình pháp lệnh năm 2019 và được văn phòng chính phủ chấp thuận, dự kiến trình Chính phủ tháng 7/2019

Tập trung nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện Luật Kiến trúc. Hiện, Bộ Xây dựng đang tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự kiến trình Quốc hội dự thảo Luật vào tháng 5/2019.

Tiếp tục nghiên cứu, đảm bảo tiến độ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Thông báo số 84/TB-VPCP; Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/01/2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng để phù hợp với Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch; Nghị định thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/03/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Triển khai thực hiện tổng kết đánh giá tình hình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020 làm cơ sở đề xuất các nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch 05 năm 2021-2025 của ngành Xây dựng.

Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc các Đề án: Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hoá của ngành sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2020; tiếp tục nghiên cứu bổ sung tiêu chuẩn mới phù hợp với xu thế và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật

Tiếp tục triển khai nghiên cứu, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012 – 2020, làm cơ sở đề xuất các nội dung của Chương trình trong giai đoạn giai đoạn 2020-2030; rà soát, nghiên cứu, đề xuất kế hoạch cụ thể xây dựng đề án Đề án phát triển đô thị gắn với khu kinh tế cửa khẩu và các khu vực biên giới; tập trung Báo cáo đánh giá quá trình đô thị hóa giai đoạn 2011-2020 và mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 5 năm 2021-2025 nhằm phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; triển khai hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia bao gồm: bộ chỉ tiêu dữ liệu đô thị quốc gia, khung dữ liệu, phần mềm và toàn bộ các tài liệu, dữ liệu, số liệu theo bộ chỉ tiêu được khảo sát tại 20 đô thị thí điểm; triển khai Kế hoạch của Bộ Xây dựng thực hiện Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030”; triển khai công tác chuẩn bị dự án hỗ trợ kỹ thuật cấp nước an toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị: Trong 3 tháng đầu năm 2019, tiến hành khảo sát liên ngành tại 8 địa phương, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 đô thị loại II (Bến Tre, Hà Tĩnh và Lạng Sơn) và công nhận 01 đô thị loại IV (Thị trấn Đức Phổ, Hải Dương); đang thẩm định 14 Đề án phân loại đô thị; đang rà soát, đánh giá phân loại đô thị và đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của các khu vực thành lập phường của 02 Đề án (Tuyên Quang, Bắc Ninh).

Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Để thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; thực hiện trả lời hướng dẫn tổ chức, cá nhân các nội dung về đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng; hiện đang phối hợp với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Tiếp tục cập nhật thông tin và đôn đốc các địa phương thực hiện Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS và Thông tư số 27/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 117/2015/NĐ-CP.

Tiếp tục triển khai, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn về việc bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai có hiệu quả các chương trình nhà ở trọng điểm. Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các chương trình, chính sách về nhà ở.

Triển khai các Đề án/Chương trình: Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020; phát triển vật liệu xây không nung, vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; đẩy nhanh tiến độ chương trình khoa học trọng điểm về xử lý, tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao được thải ra từ các nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất, luyện thép sử dụng chất thải sinh hoạt, phế thải công nghiệp làm nguyên, nhiên liệu sản xuất các loại vật liệu xây dựng...

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quang Hùng và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời câu hỏi, cung cấp thông tin và làm rõ các vấn đề mà phóng viên báo chí nêu như: Vấn đề di chuyển trụ sở các Bộ, ngành ra khỏi nội đô; về việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam; về vấn đề quản lý quỹ bảo trì chung cư; tồn kho BĐS.

Ngoài ra, các vấn đề về công tác quản lý nhà nước khác của Bộ cũng được làm rõ như: quản lý và xuất khẩu clanke, sử dụng tro xỉ thải làm vật liệu xây dựng, xung quanh việc sốt đất tại Vân Đồn (Quảng Ninh) và ngoại thành Hà Nội, vấn đề quản lý và phát triển nhà ở xã hội , quy hoạch và phát triển đô thị ...

Theo baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 521  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...
ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207