Ngày đăng 28/03/2019 | 04:20 PM

Hỗ trợ khung chính sách đặc biệt cho người dân di dời

Lượt xem: 578  |  Chia sẻ: 0
(AMC) Dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế được UBND TP Huế (Thừa Thiên - Huế) triển khai và dự kiến hoàn tất trước ngày 16/9. Phương án hỗ trợ, Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa cho người dân theo quy định của pháp luật và một số hỗ trợ đặc thù khác. Giai đoạn 1, sẽ di dời 523 hộ dân, với tổng kinh phí thực hiện trên 250 tỷ đồng.


Toàn cảnh Hội nghị gặp gỡ 523 hộ dân ở khu vực Thượng Thành.

Cuối tuần qua, UBND TP Huế đã tổ chức hội nghị gặp gỡ 523 hộ dân ở khu vực Thượng Thành thuộc Dự án đầu tư, bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế.

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Phát triển quỹ đất TP Huế nêu rõ: Khung chính sách hỗ trợ di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã được UBND thành phố gửi đến tất cả các hộ dân ở 4 phường, gồm: Thuận Hòa, Thuận Thành, Thuận Lộc và Tây Lộc. Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 165.966,4m2. Các hộ bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở dự kiến khoảng 523 hộ, trong đó 265 hộ chính, 258 hộ phụ và 270 hộ đất nông nghiệp. Các hộ dân sẽ được bố trí tái định cư tại khu dân cư Bắc Hương Sơ (thuộc phường An Hòa và Hương Sơ, TP Huế).

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, khung chính sách để hỗ trợ di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế cũng được Nhà nước hỗ trợ tối đa cho người dân theo quy định của pháp luật và một số hỗ trợ đặc thù khác.

Theo đó, phương án bồi thường về đất đối với các trường hợp sử dụng trước ngày 19/5/1976 và các trường hợp có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất, được bồi thường theo quy định. Hỗ trợ đối với trường hợp sử dụng đất do lấn, chiếm trước ngày 1/7/2004; hỗ trợ về đất đối với trường hợp sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 nhưng chưa nộp tiền để được sử dụng đất; bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất; hỗ trợ thiệt hại về nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ về đất và nhà, công trình đối với người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Ngoài ra, những người dân bị thu hồi đất để thực hiện Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm cư; hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ di chuyển toàn bộ chỗ ở và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ; bồi thường chi phí di chuyển khi Nhà nước thu hồi đất.
 
Người dân sống “bám” trên di tích mong muốn được hỗ trợ thỏa đáng để sớm di dời.

Tại hội nghị, đa số người dân đều tán thành khung chính sách mà UBND TP Huế và tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra. Tuy nhiên, người dân cũng có nhiều nguyện vọng xoay quanh các vấn đề về chính sách bồi thường, hỗ trợ; chính sách hỗ trợ đối với trường hợp sử dụng đất do lấn, chiếm trước ngày 1/7/2004; chính sách bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác găn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm cư; hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo…

Một số ý kiến băn khoăn về việc chứng minh nguồn gốc đất và khoảng thời gian sử dụng đất do không có giấy tờ, hoặc mất giấy tờ; việc trong một gia đình nhưng có nhiều thế hệ cùng sinh sống và chưa tách hộ thì khi di dời đến nơi ở mới sẽ được hỗ trợ thể nào?

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND TP Huế cho biết: Dự án di dời giải tỏa 523 hộ dân khu vực Thượng Thành để thực hiện dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế thuộc dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, được triển khai từ nay và hoàn tất trước ngày 16/9, với tổng kinh phí thực hiện trên 250 tỷ đồng.

Trong quá trình giải quyết hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân, chính quyền địa phương sẽ vận dụng tối đa khung chính sách cho bà con, đảm bảo nhanh, gọn, chính xác, công bằng. Các phường phải có bộ phận thường trực để giải quyết kịp thời những kiến nghị, vướng mắc của người dân, không để người dân đi lại nhiều lần, các thông tin phải được thông báo công khai tại UBND phường. Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế phải bám sát, theo dõi thường xuyên các vấn đề phát sinh để kịp thời giải quyết; công tác kiểm kê tài sản, áp giá đền bù phải công khai minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao từ người dân.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh: Việc di dời dân cư ra khỏi quần thể di tích Cố đô Huế là mong muốn từ lâu của tỉnh, thành phố cũng như người dân trực tiếp sinh sống ở đây. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính, khung chính sách và các vấn đề liên quan khác nên trong một thời gian dài vẫn chưa thực hiện được. Với quyết tâm cao của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của Chính phủ, đến nay dự án đã được phê duyệt. Để dự án được triển khai đúng theo tiến độ, đòi hỏi các cấp chính quyền phải có quyết tâm cao, tập trung lắng nghe những vướng mắc, kiến nghị của người dân để kịp thời giải quyết, không để kiến nghị trở thành khiếu nại.

Theo baoxaydung.com.vn
Lượt xem: 578  |  Chia sẻ: 0

Tin có liên quan

Loading ...

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207