Hội thảo, hội nghị

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ THÔNG MINH XU HƯỚNG TẤT YẾU

1.Phát triển đô thị thông minh – xu hướng tất yếu

Hiện nay, đứng trước các vấn đề mang tính toàn cầu như sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, chiến lược phát triển đô thị thông minh là một xu hướng tất yếu đang được nhiều quốc gia áp dụng.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52/NQ-TW, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, các địa phương liên quan được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phát triển đô thị thông minh bền vững; hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; hệ thống hạ tầng dữ liệu, hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của đô thị thông minh; cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai thí điểm phát triển đô thị thông minh bảo đảm tính hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 phê duyệt Đề án giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện. Đề án nhằm triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia thông qua phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam.

 

 

TS. Trần Hữu Hà, Giám đốc Học viên Cán bộ cán bộ quản lý và đô thị phát biểu tại Lễ triển khai Dự án “Thành lập trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”.

 

2.Đào tạo, bồi dưỡng về đô thị thông minh

Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị là đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Xây dựng, đã có truyền thống hơn 45 năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Xây dựng. Hàng năm, Học viện thực hiện trên 40 chương trình đào tạo với khoảng 250 lớp và hàng chục nghìn lượt học viên, điển hình như các chương trình: Đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Xây dựng; Đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng lãnh đạo, quản lý và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức chuyên môn thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; Tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Xây dựng,... Trong những năm gần đây, Học viện đã và đang nghiên cứu, xây dựng chương trình và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về đô thị thông minh và tham gia tư vấn phát triển đô thị thông minh cho các địa phương. Học viện AMC đã và đang triển khai một số dự án ODA, cụ thể như: Dự án “Xây dựng đô thị tiên tiến thông qua các nhà quản lý đô thị giỏi” sử dụng viện trợ không hoàn lại của Quỹ phát triển thể chế (IDF); Dự án “Hỗ trợ chính sách nhà ở cho người có thu nhập thấp” do UN-Habitat tài trợ; Hợp phần thuộc Dự án “Cải thiện môi trường đô thị miền Trung” do ADB tài trợ; Dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam” do Chính phủ Thụy Sỹ viện trợ... Bên cạnh đó, Học viện AMC với vai trò là đơn vị đầu mối của Bộ Xây dựng về nâng cao năng lực, ứng dụng các chính sách, chuyển giao công nghệ trong xây dựng và phát triển đô thị sẽ là đầu mối phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan để quản lý và thúc đẩy ngành Xây dựng hoạt động hiệu quả, bền vững. 

3.Dự án “Thành lập trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” – góp phần thiết thực triển khai Đề án 950 của Chính phủ

Thành phố thông minh không chỉ là bước đột phá kiểu mới mà ở đây công nghệ quản lý và kỹ thuật được ứng dụng, vận hành một cách khoa học, hợp lý. Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã chủ trì triển khai hoặc phối hợp với các Bộ, ngành và các đối tác quốc tế để triển khai một số chương trình, đề án, dự án nhằm nâng cao hiệu quả quản lý xây dựng và phát triển đô thị hướng tới mục tiêu hiệu quả và bền vững, đô thị thông minh được coi là một trong các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu đó. Trong thời gian tới, việc phát triển đô thị thông minh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá cho phát triển đô thị thông minh; tập trung phát triển quy hoạch đô thị thông minh bền vững; quản trị đô thị phát triển theo chiến lược và thiết lập, duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị số hoá liên thông đa ngành; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ thông minh phù hợp với bối cảnh Việt Nam; đồng thời cần thiết tham gia hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn quản lý và phát triển đô thị Việt Nam. Do vậy, một số chương trình, dự án mà Bộ Xây dựng đã và đang triển khai cũng sẽ hỗ trợ cho việc thực hiện Dự án “Thành lập trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (Dự án VKC) đạt hiệu quả tốt nhất có thể.

 


Các đại biểu tham dự Lễ Triển khai Dự án.

 

Dự án VKC với các mục tiêu cụ thể: Xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam; Thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh: Hình thành mẫu mô hình về quy hoạch tổng thể đô thị thông minh, tiến tới quản lý, phát triển đô thị thông minh tại VN; tăng cường năng lực của cán bộ làm công tác quy hoạch, công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị trong lĩnh vực đô thị thông minh; Thành lập Trung tâm Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng (VKC); Tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh.

Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị với vai trò là Chủ dự án có trách nhiệm phối hợp với Cục Phát triển đô thị, Vụ Quy hoạch kiến trúc và các đơn vị liên quan cùng nhà tài trợ nước ngoài – các cơ quan Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn quốc giao cho như Viện Kỹ thuật công trình và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc (KICT), Viện Nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc (KRIHS); Tập đoàn đất đai và nhà ở Hàn Quốc (LH); Cơ quan công nghệ hạ tầng tiên tiến Hàn quốc (KAIA) giám sát tiến độ và chất lượng của Dự án. Học viện trực tiếp thực hiện, khai thác và sử dụng kết quả đầu ra các Hợp phần 3 và 4 về Thành lập Trung tâm VKC (Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng) và Tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh.

TS. Trần Hữu Hà

*Giám đốc Học viện Cán bộ QL xây dựng và đô thị

VIDEOS

ĐT: (024) 35522216 / (024) 33120207